Tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận sau khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Diện mạo nông thôn được đổi mới, khang trang, sạch đẹp hơn, tạo được không khí xây dựng NTM rộng khắp các vùng nông thôn. Đời sống của người dân được cải thiện; văn hóa xã hội, môi trường khu vực nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ được mở rộng; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; an ninh trật tự xã hội được giữ vững.
Với quan điểm xây dựng NTM theo hướng chuyển từ lượng sang chất, trong đó xác định người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng, trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn sửa đổi và bổ sung các quy định, bộ tiêu chí, cơ chế quản lý, đồng thời sử dụng nguồn vốn ngân sách cùng các nguồn lực khác một cách hợp lý, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, coi trọng công tác quy hoạch và phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương, hướng đến xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Cổng chào thôn Tiền Hải (xã Minh Châu, huyện Vân Đồn) – Khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Cụ thể, trước đây tại TX Quảng Yên các kênh ngập rác, nhiều bãi tập kết rác nằm ven đường, người dân không được sử dụng nước sạch… Nhằm cải thiện môi trường nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng NTM, thị xã đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp.
Giai đoạn 2019-2021, bằng nhiều nguồn vốn, thị xã đã triển khai cải tạo, nâng cấp 5 tuyến kênh tiêu nước chính dài hơn 16km tại 4 xã, phường khu vực Hà Bắc, tổng vốn đầu tư 190 tỷ đồng; đã góp phần khắc phục ô nhiễm tại các tuyến kênh, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Cùng với quan tâm cải tạo, nâng cấp các tuyến kênh tiêu thoát nước, thị xã tích cực đưa nước sạch đến người dân. Những năm gần đây, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các hồ chứa nước thô, nâng công suất các trạm xử lý nước, phát triển các mạng cấp nước tại Quảng Yên. 100% các xã có hệ thống đường ống trục chính của các công trình cấp nước tập trung, dẫn nước sạch để người dân đấu nối sử dụng, đáp ứng mong muốn của các hộ dân nhiều năm qua.
Vai trò chủ thể của người dân trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn được phát huy. Ở nhiều nơi, người dân đã coi việc vệ sinh đường làng, ngõ xóm, mương nước, ao hồ, cảnh quan môi trường là việc cần làm với tinh thần trách nhiệm cộng đồng cao. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều những tuyến đường nông thôn xanh – sạch – đẹp.
Một điểm nhấn được coi là hạt nhân chiến lược trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại Quảng Ninh là chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) với mục tiêu phát triển các tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm có lợi thế địa phương; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất,” tăng thu nhập cho người dân.
Quảng Ninh là địa phương tiên phong của cả nước trong việc thực hiện chương trình này. 10 huyện, thị xã, thành phố có xã vùng đồng bằng và xã thuộc khu vực I có tổng số 127/148 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP, chiếm 85,8% toàn tỉnh. Có 311/402 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, chiếm 77,4% toàn tỉnh. Trong đó, có117/138 sản phẩm đạt sao.
Những kết quả nêu trên có sự đóng góp không nhỏ của nông dân, những “chủ thể” quan trọng của chương trình xây dựng NTM tại Quảng Ninh.
Minh Kiên