Quảng Ninh: Chủ động nguồn cây giống trồng rừng lâu năm

Châu Anh|28/03/2021 00:15
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn –  Tỉnh Quảng Ninh đang phấn đấu đến năm 2025 giữ độ che phủ rừng đạt 55%, tốc độ tăng trưởng của ngành lâm nghiệp từ 5,5-6%, sản lượng khai thác gỗ 350.000-400.000m3…

Xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của địa phương, Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh phát triển kinh tế từ rừng theo hướng bền vững. Để đạt mục tiêu này, giống cây lâm nghiệp, đặc biệt là các giống cây trồng rừng lâu năm là yếu tố quan trọng, cần được ưu tiên hàng đầu.

Ảnh minh họa

Chỉ sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, huyện Ba Chẽ đã ươm thành công 650.000 cây lim xanh, dổi xanh bản địa bằng cả phương pháp gieo hạt truyền thống và ghép, nhằm phục vụ trồng 650ha rừng.

Đây là hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu nông, lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững và bảo vệ tài nguyên rừng. Bởi chỉ riêng giống dổi đang được ươm từ phương pháp ghép, hiện đang giảm thời gian sinh trưởng từ 40 năm xuống còn 30 năm. Chỉ sau 5 năm trồng, dổi đã có thể cho thu hoạch hạt. Với giá thị trường hiện nay là trên 1 triệu đồng/kg hạt thì 1ha dổi mỗi năm có thể cho nguồn thu hàng trăm triệu, thậm chí lên tới 1 tỷ đồng.

Hiện nay, mặc dù trên địa bàn tỉnh có một số tổ chức, cá nhân đã chủ động sản xuất để cung ứng cây giống, tuy nhiên theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, việc sản xuất, cung ứng giống cây lâm nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Mỗi năm, toàn tỉnh cần khoảng 4 triệu cây giống trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; 20 triệu cây giống trồng rừng sản xuất; 3.000 cây phân tán tạo cảnh quan đô thị. Trong khi, trên toàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở sản xuất, nuôi cấy mô và 15 đơn vị có vườn ươm. Cơ cấu giống cây chủ yếu là keo, bạch đàn, các nguồn giống cây bản địa, cây lâu năm, cây giá trị kinh tế cao rất hạn chế.

Để tháo gỡ tồn tại này, trong thời gian tới, ngành NN&PTNT tỉnh đã xác định vai trò quan trọng của công tác đầu tư nghiên cứu, chọn, tạo và đưa vào sản xuất các loại giống cây trồng rừng. Theo Sở NN&PTNT Quảng Ninh, năm 2021 ngành sẽ tham mưu cho tỉnh xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cây giống trên cơ sở bám sát kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững. Đồng thời, tham mưu cho tỉnh trong việc tăng cường công tác bảo tồn các nguồn gen cây trồng trên địa bàn, phục vụ công tác nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống.

Sở NN&PTNT sẽ đề xuất tỉnh xây dựng chương trình nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp với mục tiêu tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất đại trà, phù hợp với điều kiện của từng vùng. Bên cạnh đó, chú trọng đến các giống bản địa mang tính đặc sản, có khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh tốt, tiến tới xuất khẩu một số giống cây trồng rừng là thế mạnh của địa phương. Đồng thời, phục tráng giống cây đặc sản địa phương gắn với xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý như dổi, sở, trà hoa vàng, sa mộc…

Châu Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Chủ động nguồn cây giống trồng rừng lâu năm