Những năm qua, để đảm bảo phát triển đi cùng với vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nhiều chuyển biến. Nhiều địa phương đã tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến thị trường dưới các hình thức chăn nuôi gia công, hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân cùng làm; chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán sang chăn nuôi tập trung, áp dụng kỹ thuật tiên tiến.
Chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn tại Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả). Ảnh: Mạnh Trường
Khu vực đồng bằng phát triển các trang trại chăn nuôi gia cầm; khu vực ven biển tập trung phát triển đàn lợn, gia cầm; khu vực trung du miền núi phát triển đàn gia súc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có các vùng chăn nuôi tập trung như: Vùng chăn nuôi lợn tại TP Móng Cái là 32ha, vùng chăn nuôi gà huyện Tiên Yên là 850.000 con; các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung 1.340,9ha. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh cũng đã triển khai 15 nhiệm vụ hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hướng trang trại, gia trại và sản xuất khép kín.
Nhờ vậy, chăn nuôi trên địa bàn phát triển ổn định. Toàn tỉnh hiện có 32.800 con trâu, 36.800 con bò, 283.000 con lợn và khoảng 4 tỷ con gia cầm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2020 đạt khoảng 100.000 tấn, thu hoạch sữa tươi đạt 2.14,6 tấn, thu hoạch khoảng 131.300 quả trứng gia cầm.
Mặc dù đạt một số kết quả, nhưng công tác vệ sinh trong chăn nuôi vẫn gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, chất thải trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát sinh trong quá trình chăn nuôi ước tính 650 tấn/ngày đêm, chưa kể lượng nước tiểu gia súc. Qua điều tra cho thấy chỉ khoảng 10% số chất thải rắn trên được xử lý qua hệ thống Biogas, số còn lại xả thẳng ra môi trường và tập trung chủ yếu ở các vùng đông dân cư, vùng nông thôn, miền núi.
Thời gian qua, việc đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi đã được các hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện nghiêm túc. Việc xử lý chất thải trong chăn nuôi là khâu rất quan trọng để bảo đảm chất lượng chăn nuôi cũng như sức khỏe của con người. Tỉnh đã tăng cường khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn người chăn nuôi trên địa bàn áp dụng các mô hình an toàn, vệ sinh trong chăn nuôi. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi. Từ đó, lập hồ sơ để quản lý theo quy định của pháp luật, yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường.
Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm; mở các lớp tập huấn về an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi chấp hành tốt việc bảo vệ môi trường, có ý thức trong việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải hiện đại, hiệu quả.
Về lâu dài, tỉnh có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trang trại sản xuất với quy mô công nghiệp, tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, có sản lượng sản phẩm lớn làm hàng hoá, đặc biệt là áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo môi trường, an toàn trong chăn nuôi.
Minh Kiên