Những năm gần đây, tỉnh Quảng Trị đã rà phá được hơn 25.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn; phát hiện và xử lý an toàn trên 765.000 bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh; đồng thời, hỗ trợ hàng nghìn nạn nhân bom mìn, nâng cao nhận thức về nguy hiểm bom mìn cho hầu hết người dân và học sinh.
Trong tổng số trên 25.000 ha đất đã được rà phá bom mìn có hơn 152 triệu m2 là diện tích đất ô nhiễm bom chùm - loại bom có độ sát thương rất lớn còn sót lại sau chiến tranh, chiếm khoảng 23% tổng diện tích ô nhiễm bom chùm.
Tỉnh đã xác định được trên 53.000ha đất ô nhiễm bom chùm. Địa phương phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất bị ô nhiễm bom chùm được khảo sát đạt 62.000ha, trong đó hoàn thành rà phá được 31.000ha, tương đương 50%.
Để đạt được kết quả trên, tỉnh đã tập trung vận động nguồn lực khắc phục hậu quả bom mìn. Peace Trees VietNam - Cây Hòa bình Việt Nam (PTVN) là tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ đầu tiên được cấp phép (năm 1995) và triển khai hoạt động rà phá bom mìn khắc phục hậu quả chiến tranh tại Quảng Trị.
Đến nay, địa bàn tỉnh đã có 34 tổ chức phi chính phủ và 23 tổ chức quốc tế tham gia khắc phục hậu quả bom mìn.
Tỉnh đã vận động được trên 146 triệu USD từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cho hoạt động này; trong đó, Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ tỉnh thông qua các tổ chức phi chính phủ khoảng hơn 91 triệu USD để rà phá bom mìn.
Một số dự án lớn đã và đang hỗ trợ tỉnh như “Liên lạc cộng đồng và rà phá vật liệu chưa nổ giai đoạn 2021-2025” với số vốn trên 29 triệu USD, do Tổ chức Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG) triển khai; “Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh (RENEW) - Chương trình khảo sát và rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2022” do Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) thực hiện với kinh phí gần 13 triệu USD; “Rà tìm và xử lý bom mìn, vật nổ nhằm giảm thiểu các mối nguy hiểm và hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025” do Tổ chức Peace Trees VietNam - Cây Hòa bình Việt Nam thực hiện với kinh phí 10,5 triệu USD.
Quảng Trị là tỉnh có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước với gần 82% trên tổng diện tích đất. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở địa phương đã khiến hơn 3.430 người chết, 5.100 người bị thương.
Tỉnh đang hướng đến mục tiêu là tỉnh đầu tiên trong cả nước “an toàn” không chịu tác động của bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh vào năm 2025.
Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh, để đạt được mục tiêu này, địa phương tập trung hoàn thành khảo sát, lập bản đồ các khu vực bị ô nhiễm bom chùm để giám sát xử lý; 100% người dân được trang bị kiến thức và được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để sống và làm việc an toàn, giảm thiểu tai nạn do bom mìn, vật liệu nổ gây ra.