Một nghiên cứu về tình trạng xả rác toàn cầu vừa công bố cho thấy: Mỹ là nước xả rác nhiều nhất thế giới, với tỉ lệ xả rác tính trên đầu người nhiều gấp 3 lần so với tỉ lệ trung bình toàn cầu.
Kết quả nghiên cứu mới của Hãng tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft cho thấy: Mỹ là nước thải nhiều rác hơn và cũng tái chế rác ít hơn so với các nước phát triển khác.
Nước Mỹ chỉ chiếm 4% dân số thế giới, nhưng thải ra tới 12% chất thải rắn đô thị, một tỉ lệ hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc và Ấn Độ. Hai nước ở châu Á chiếm tới hơn 36% dân số thế giới nhưng chỉ thải ra 27% tổng lượng rác toàn cầu.
Một nhà máy xử lý rác tại Brooklyn, New York – Ảnh: GUARDIAN/GETTY IMAGES
Trong khi Mỹ chỉ tái chế được 35% rác thải đô thị thì Đức có tỉ lệ tái chế cao gần gấp đôi: 68%.
Những số liệu thống kê cũng cho thấy: thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng rác thải ngày càng tăng, một phần lớn đáng kể là vấn đề rác thải nhựa đang tràn ngập tại các nước đang phát triển và các đại dương.
Hãng Verisk Maplecroft ước tính mỗi năm, trung bình mỗi người Mỹ thải ra 106,2kg rác. “Mỹ là nước phát triển duy nhất có lượng rác thải ra vượt quá khả năng tái chế. Điều này cho thấy rõ việc thiếu một ý chí chính trị và đầu tư trong cơ sở hạ tầng”, báo cáo nghiên cứu nhận định.
Năm 2015, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho biết: Mỹ thải ra 262 triệu tấn rác thải đô thị, hơn một nửa trong số đó được chuyển tới các bãi rác mà không tái chế. Khoảng 13% số rác ấy là nhựa.
Ở phạm vi toàn cầu, theo báo cáo, mỗi năm hơn 2,1 tỉ tấn rác thải ra, đủ để lấp đầy 822.000 bể bơi theo chuẩn Olympic. Chỉ 16% trong đó được tái chế. Kể từ năm 1950, nhân loại đã thải ra 8,3 tỉ tấn rác.
Huyền Trang (T/h)