Rác thải y tế – Bài 4: Thắt chặt thu gom và quy trình xử lý

Minh Anh|24/07/2020 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chất thải y tế trong thời gian qua là một vấn đề bức xúc không những riêng của ngành y tế mà còn của cả toàn xã hội do những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sống.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 14 ngàn cơ sở y tế với tổng lượng rác thải lên đến 350 tấn/ngày. Đây thực sự là mối quan tâm, lo lắng không chỉ với ngành Y tế mà còn cả với người dân sống xung quanh.

Rất nhiều các biện pháp đã được đưa ra như: tuyên truyền, phổ biến thậm chí mạnh hơn là răn đe, xử phạt nhưng dường như chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Bài toán xử lý rác thải y tế còn quá khó khăn?

Theo thống kê, mức tăng chất thải y tế hiện nay là 7,6%/năm. Dự kiến đến năm 2020 là 800 tấn/ngày. Nếu không được quản lý tốt, các rác thải y tế này sẽ gây ra những mối nguy hiểm không hề nhỏ cho môi trường và sức khỏe con người.

Rác thải y tế mang nguồn lây nhiễm bệnh tật từ các loại bệnh phẩm trong quá trình khám, chữa bệnh như máu, đờm, phân, chất tiết, bệnh phẩm sinh thiết, các tổ chức cắt bỏ…

Dư luận hẳn chưa quên được những câu chuyện về rác thải y tế gây rúng động trong thời gian qua như: nội tạng người được vứt vào khu tập kết rác thải của BV Giao thông Vận tải năm 2008; rùng rợn hơn là Phòng khám đa khoa tại Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội sau khi thực hiện các ca nạo phá thai đã vứt RTYT nguy hại (trong đó có cả kim tiêm, bông băng dính máu, dịch truyền) ra môi trường vào tháng 4/2013… và mới đây nhất là vụ công ty TNHH bệnh viện đa khoa tư nhân Lê Ngọc Tùng (Tây Ninh) bị xử phạt 1,4 tỷ đồng về hành vi chôn lấp, đổ chất thải y tế nguy hại không đúng quy định. Trong rác thải y tế được phát hiện có nhau thai, băng bông, kim tiêm… và hàng loạt dụng cụ y tế đã qua sử dụng.
Theo TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, chất thải y tế thuộc nhóm những loại chất thải được coi là độc hại nhất. Thực tế, môi trường ô nhiễm trong đó có sự “tiếp tay” của chất thải y tế đang tăng nguy cơ ung thư và các bệnh hiểm nghèo cho con người.

Rác thải y tế có thể gây sát thương cho người bởi vật sắc nhọn như kim tiêm, dao cắt, ống thủy tinh đựng thuốc hay nước cất. Vật sắc nhọn không chỉ gây ra vết thương trên da, mà còn gây nhiễm trùng vết thương nếu chúng bị nhiễm bẩn.

Nguy hiểm hơn, các rác thải y tế mang nguồn lây nhiễm bệnh tật từ các loại bệnh phẩm trong quá trình khám, chữa bệnh như máu, đờm, phân, chất tiết, bệnh phẩm sinh thiết, các tổ chức cắt bỏ… Hầu hết sự lây lan dịch bệnh (tả, lỵ…) từ các bệnh viện cũng từ rác thải y tế mà ra. Rác thải chôn lấp, các chất độc hại ngấm xuống nước ngầm, gián tiếp gây hại cho người dân sống lân cận. Không chỉ vậy, các rác thải y tế nguy hại (đặc biệt là những loại kháng sinh) không được xử lý đúng cách sẽ lan ra môi trường gây nên tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng.

Rác thải y tế có thể gây sát thương cho người bởi vật sắc nhọn như kim tiêm, dao cắt, ống thủy tinh đựng thuốc hay nước cất

Gây hoang mang dư luận thời gian gần đây là chuyện nhựa bị thôi nhiễm có chứa chất gây ung thư được tái chế dùng sản xuất ra những đồ dùng dành cho ngành thực phẩm. Về nguyên tắc, các sản phẩm liên quan đến ngành thực phẩm thì cần được làm từ nhựa nguyên khai, hoàn toàn tinh khiết, nếu sử dụng các loại nhựa không kiểm soát được chất lượng sẽ gây ra độc hại, nguy cơ gây ung thư là rất cao.

Không chỉ với con người, rác thải y tế còn là nguồn gây mất cân bằng sinh học môi trường, hậu quả của các dược phẩm loại bỏ thải ra môi trường. Rác thải y tế cũng gây độc cho môi trường, đất, nước, hậu quả của các chất độc dùng trong y học, các hóa chất dùng trong các phòng xét nghiệm, các chất thải chứa kim loại nặng…

Tác hại và sự nguy hiểm mà rác thải y tế mang lại là vô cùng rõ ràng. Các bệnh viện không lường hết được những nguy hại này hay biết rồi mà vẫn cố tình vi phạm?

Lời giải trong tay các bệnh viện

Là một trong những chất thải nguy hại vào bậc nhất, việc xử lý rác thải y tế rất phức tạp và gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị cập nhật, tuyên truyền, tăng cường thanh kiểm tra và xử phạt các đơn vị vi phạm nhưng dường như kết quảchưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Và mặc dù đang cầm trong tay lời giải cho bài toán rác thải y tế nhưng hiện nay các bệnh viện cũng vẫn đang “loay hoay” trong việc lựa chọn cho mình phương pháp xử lý rác thải y tế chuẩn, an toàn và hiệu quả nhất…

Một số bệnh viện đặc biệt là các bệnh viện lớn đã chủ động đầu tư hệ thống xử lý nước thải và chất thải riêng. Thậm chí có cơ sở y tế mặc dù là tuyến huyện nhưng đã đầu tư xây dựng lò đốt chất thải y tế 2 buồng với công nghệ Nhật từ rất lâu, công suất hoạt động lên đến 160-200kg/ngày đêm. Các lò hấp công nghệ mới này không gây ra tình trạng khói bụi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và được đánh giá cao “thân thiện với môi trường”.

Việc quan tâm, đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế đã giúp cho các đơn vị tự chủ được việc xử lý chất thải y tế, đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao chất lượng, uy tín cho bệnh viện. Tuy nhiên, theo ước tính sơ bộ, tổng kinh phí cho toàn bộ chương trình đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế khoảng 1.160 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ đối với các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến dưới nên mới có một số ít bệnh viện và cơ sở y tế làm được điều này. Một số phương pháp xử lý chất thải y tế khác như: xử lý khô, xử lý ướt hay xúc tác oxy hóa… cũng đang được áp dụng ở một số nơi và mang lại những tín hiệu tích cực.

Bên cạnh đó, một số các bệnh viện và cơ sở y tế đã ký hợp đồng vận chuyển và tiêu hủy chất thải với công ty môi trường. Điển hình là tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh hiện nay rác thải y tế đều được công ty môi trường đô thị thu gom để đốt tập trung trong lò chuyên dụng. Quá trình giao rác có sự chứng kiến của bảo vệ, các tổ giám sát của bệnh viện cũng thường xuyên kiểm tra. Tuy còn một số hạn chế nhưng nếu các bệnh viện kiểm soát chặt và giao cho các công ty lớn, có chuyên môn thì việc xử lý rác thải sẽ chuyên nghiệp hơn và mang lại hiệu quả tốt.

Bên cạnh các biện pháp trên, hiện nhiều bệnh viện đã chủ động đầu tư và đưa vào sử dụng các sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ mới mang lại hiệu quả cao và hạn chế tối đa số rác thải ra ngoài. Điển hình trong số đó là các sản phẩm bằng nhựa theo công nghệ BFS của Hoa Kỳ. Đây là các sản phẩm có tính tự động hóa cao, không có hóa chất gây độc và thân thiện với môi trường. Quan trọng hơn, các sản phẩm thuốc tiêm ống nhựa nói chung và nước cất ống nhựa nói riêng an toàn, dễ vận chuyển và góp phần tiết kiệm chi phí, làm giảm lượng rác thải y tế từ những chiếc gạc mà trước kia các y tá, điều dưỡng viên vẫn thường phải dùng lót để bẻ ống.… Đặc biệt, sản phẩm này còn có thể tái chế. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có hơn 100 bệnh viện và cơ sở y tế đưa vào sử dụng các sản phẩm nước cất ống nhựa và thuốc tiêm ống nhựa và tại Việt Nam mới có một đơn vị là Công ty Cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội – đạt tiêu chuẩn GMP- WHO có khả năng sản xuất sản phẩm này. Bộ y tế khuyến nghị các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất những sản phẩm công nghệ cao để giảm thiểu tai biến trong y khoa, hạn chế rác thải y tế, góp phần bảo vệ, tạo môi trường sống lành mạnh trong bệnh viện và xung quanh.

Thay đổi nhận thức

Hiện nay, ngành Y tế có hơn 13.000 cơ sở y tế, mỗi năm điều trị cho khoảng hơn 150 triệu lượt người với hơn 300 triệu lượt khám, điều trị ngoại trú. Khi vào BV, mỗi bệnh nhân thường đi kèm từ 1-2 người nhà, lượng rác thải liên quan đến y tế là rất lớn, đa số chất thải nhựa là các túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân. Theo báo cáo nhanh từ một số BV, có khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa, khoảng 22 tấn/ngày.

Nhựa là vật liệu đa năng, nhẹ, bền và giá thành hợp lý, được sử dụng rộng rãi ở rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, trong đó có ngành Y tế. Tuy nhiên, chất thải nhựa đang trở thành vấn đề ô nhiễm môi trường toàn cầu bởi những đặc tính bền và khó phân hủy. Đặc biệt, ô nhiễm chất thải nhựa ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, sinh thái và sức khỏe con người, hơn 700 loài sinh vật trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm chất thải nhựa.

Thống kê của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, có khoảng 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã sản xuất đến năm 2018; khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải và khoảng 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp. Hằng năm, khoảng 4,8-12,7 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương.

Chính vì vậy, các cơ quan, đơn vị ngành Y tế ở Trung ương và tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước tập trung chỉ đạo tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Đồng thời, phát động thi đua, khen thưởng, phát hiện và biểu dương kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa; rà soát, đánh giá nguồn phát sinh, số lượng, chủng loại chất thải nhựa, xây dựng kế hoạch kèm theo lộ trình cụ thể thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị đảm bảo hiệu quả, khả thi và đạt chất lượng dịch vụ y tế.

Việc thay đổi nhận thức, hình thành thói quen cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế phát sinh chất thải nhựa là một quá trình, tuy nhiên việc này hoàn toàn có thể thực hiện được. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi các tổ chức, cá nhân có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế dừng sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa một lần ngay từ hôm nay.

Minh Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rác thải y tế – Bài 4: Thắt chặt thu gom và quy trình xử lý