Ngày 30/5, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo thông tin một phần diện tích san hô tại các vùng biển như Vịnh Côn Sơn, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau... đang gặp tình trạng tẩy trắng và chết với tỷ lệ đáng báo động.
Đây không phải lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra tại Côn Đảo. Vấn đề tương tự đã từng diễn ra vào các năm 1998, 2010, 2016, những năm mà Trái Đất hứng chịu hiện tượng El Nino, khiến nước biển nóng lên bất thường.
Theo các chuyên gia, nhiệt độ lý tưởng cho san hô nằm trong khoảng 24-30 độ C. Tuy nhiên, hiện tại nhiệt độ nước biển tầng đáy tại Côn Đảo đã lên tới 32 độ C.
Biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino được xem là nguyên nhân chính gây ra tình trạng san hô chết và tẩy trắng tại các đảo.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo nhận định, nếu nhiệt độ nước biển không giảm, khả năng phục hồi của san hô sẽ rất thấp và diện tích san hô chết sẽ ngày càng tăng.
Các chuyên gia về hải dương học và địa chất học cảnh báo rằng san hô chết hàng loạt là vấn đề nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hệ sinh thái biển và các sinh vật sống trong khu vực.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế-Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết, cần tiến hành thêm các cuộc khảo sát để đánh giá quy mô và mức độ tẩy trắng lần này. Nhiệt độ sống lý tưởng của San hô dao động từ 24-30 độ C. Đến thời điểm hiện tại, nhiệt độ nước tầng đáy của vùng biển Côn Đảo là 32 độ C, nếu nhiệt độ nước biển tại các rạn san hô không giảm thì khả năng phục hồi của san hô rất thấp và diện tích san hô chết sẽ rất lớn.
Hiện, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã kết nối với Viện Hải dương học Nha Trang, đề xuất Viện Hải dương học Nha Trang phối hợp cùng Vườn quốc gia Côn Đảo khảo sát, đánh giá cụ thể tỷ lệ san hô bị tẩy trắng tại các đảo và có phương án phục hồi kịp thời.