Sáng nay, Hà Nội ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới

Hoàng Thơ |14/11/2024 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sáng ngày 14/11, bầu trời mờ đục, Hà Nội ô nhiễm không khí ở ngưỡng rất có hại cho sức khỏe.

Liên tiếp những ngày qua, Hà Nội đều ghi nhận chất lượng không khí xấu. Lúc 8h sáng nay (14/11), nhiều điểm đo trên hệ thống quan trắc Air Visual cho thấy ô nhiễm không khí đang ở ngưỡng tím - ngưỡng rất có hại cho sức khỏe.

o-nhiem2.jpg
Sáng nay, Hà Nội ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới

Cụ thể, tại quận Tây Hồ, ghi nhận nhiều điểm đo với chỉ số ô nhiễm cao, có thể kể đến như điểm đo Hồ Tây Compoud có chỉ số AQI là 267; điểm đo Tô Ngọc Vân, Tây Hồ có chỉ số AQI là 264; điểm đo Ciputra, Tây Hồ có chỉ số AQI là 255; điểm đo Quảng Khánh, Tây Hồ có chỉ số AQI 243...

Điểm đo Cừ Khôi, Long Biên ghi nhận chỉ số AQI cũng ở ngưỡng tím là 225; Lê Duẩn, Hoàn Kiếm có chỉ số AQI 215...

Đặc biệt, ứng dụng Air Visual sáng nay xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 3 thế giới sau Lahore (Pakistan) và Delhi (Ấn Độ).

Ứng dụng Pam Air cũng cho thấy nhiều điểm có chỉ số AIQ ngưỡng đỏ - có hại cho sức khỏe như Đội Cấn (Ba Đình) AQI 197; Nguyễn Chế Nghĩa (Hoàn Kiếm) AQI 194; Chùa Láng (Đống Đa) AQI 179; Kim Mã (Ba Đình) AQI 173...

Khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (AQI ở mức 151 - 200), người dân hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động với cường độ vừa phải.

Người dân tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường.

Đối với những người nhạy cảm (người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh về đường hô hấp…), tránh các hoạt động ngoài trời hoặc các hoạt động vận động cần gắng sức; vận động, tập thể dục trong nhà; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ; theo dõi sức khoẻ, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sáng nay, Hà Nội ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.