Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: trong sáng nay, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Bộ, ban ngành tham dự sẽ tiếp tục thảo luận về Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng (CTQP) và khu quân sự (KQS), Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, CTQP và KQS có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự thời bình và thời chiến; là một bộ phận trong chuỗi thế trận liên hoàn phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.
Việc ban hành Luật là nhằm tiếp tục cụ thể hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, quân sự, quốc phòng; việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; nâng cao nhận thức của toàn dân; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập sau 28 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ CTQP và KQS; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với pháp luật có liên quan; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi để hoạt động quản lý, bảo vệ CTQP và KQS có hiệu quả, hiệu lực.
Về hồ sơ dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương bổ sung đầy đủ dự thảo các văn bản này theo quy định; bổ sung Báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; cung cấp thêm thông tin về pháp luật, kinh nghiệm của nước ngoài, tạo thuận lợi khi cho ý kiến về dự án Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng từng luật, pháp lệnh có liên quan trong đó có những dự án Luật đang được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để xác định cụ thể các nội dung nào chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột và đề xuất phương án xử lý; rà soát các quy định chuyển tiếp giữa Pháp lệnh Bảo vệ CTQP và KQS và dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS để tránh có khoảng trống pháp lý trong triển khai thực hiện Luật; nghiên cứu bổ sung quy định về áp dụng pháp luật.
Về bố cục dự thảo Luật, đa số ý kiến cơ bản nhất trí với bố cục của dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần được rà soát các nội dung giao Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết, cân nhắc những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân. Cụ thể, về tên Luật và phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến nhất trí với tên gọi như dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc tên Luật cho thống nhất với các quy định của dự thảo Luật quy định về sử dụng CTQP và KQS.
Thường trực UBQPAN nhận thấy, dự thảo Luật có 11 nội dung giải thích từ ngữ; các giải thích này có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở quy định các nội dung khác của dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ cơ sở thực tiễn, khoa học, ngữ nghĩa, để quy định cho cụ thể, thống nhất, chặt chẽ.
Về chính sách của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Thường trực UBQPAN cơ bản nhất trí như dự thảo Luật và đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để thể chế hóa đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan, bảo đảm thống nhất, chặt chẽ.
Liên quan về những hành vi bị nghiêm cấm, nhiều ý kiến nhất trí như dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung các hành vi cấm: lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép CTQP và KQS.
Có đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng như rà soát các quy định khác đối với đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về đất đai. Đồng thời đề nghị rà soát quy định cho thống nhất; nghiên cứu, quy định về bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường; trách nhiệm của các bên trong việc việc phá dỡ, di dời CTQP và KQS; xử lý sự cố trong quá trình phá dỡ, di dời CTQP và KQS.
Về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Thường trực UBQPAN cơ bản nhất trí như dự thảo Luật, nhưng đề nghị làm rõ thêm về các quy định này và tiếp tục rà soát quy định chặt chẽ, cụ thể, thống nhất giữa các khoản và bảo đảm tính khả thi.