Ngày 2/11, chính quyền Mexico tuyên bố 47 thị trấn ở bang Guerrero, miền Nam nước này, là vùng thiên tai, theo đó những khu vực này được nhận các nguồn lực liên bang hỗ trợ các nỗ lực phục hồi sau cơn bão Otis gây nhiều thiệt hại.
Theo đề xuất của chính quyền bang Guerrero, Bộ An ninh và Bảo vệ Công dân Mexico đã ra Tuyên bố Thiên tai nhằm khắc phục hậu quả do mưa bão và lũ lụt xảy ra ngày 24-25/10 vừa qua.
Bão Otis cấp 5 đã đổ bộ vào bang Guerrero ở ven biển Thái Bình Dương ngày 25/10, gây thiệt hại lớn ở thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng Acapulco và các khu vực lân cận.
Ngày 1/11, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador công bố kế hoạch gồm 20 bước nhằm khôi phục thành phố Acapulco và những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa bão.
Theo Thống đốc bang Guerrero Evelyn Salgado, tính đến ngày 1/11, ít nhất 46 người đã thiệt mạng do mưa bão và 58 người vẫn mất tích.
Lực lượng chức năng đang tiến hành dọn dẹp đất đá và hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng do bão Otis.
Trong khi đó, tại các nước Tây Âu, bão Ciaran đổ bộ vào ngày hôm qua (2/11) với sức gió lên tới 200km/h đã làm ít nhất 7 người thiệt mạng, gây lũ lụt, mất điện và khiến giao thông ở nhiều thành phố châu Âu bị tê liệt.
Thống kê cho thấy trong trận bão Ciaran đổ bộ vào Tây Âu có 4 trên tổng số 7 người thiệt mạng do bị cây đổ vào người, trong đó có một cậu bé 5 tuổi người Ukraine, một phụ nữ 64 tuổi người Bỉ, một lái xe người Pháp và một phụ nữ Tây Ban Nha.
Chính quyền Pháp cũng ghi nhận một trường hợp tử vong do bị gió cuốn từ ban công căn hộ tại thành phố cảng Le Havre. Trong khi đó, Hà Lan và Đức đến nay cũng thông báo ít nhất 2 người thiệt mạng do ảnh hưởng của bão.
Ngoài thiệt hại về người, bão Ciaran cũng ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người dân châu Âu nơi cơn bão đi qua. Chỉ tính riêng ở Pháp, 1,2 triệu ngôi nhà đã bị mất điện và hơn 1 triệu người bị cắt internet và mạng di động. Hàng trăm trường học ở miền Nam nước Anh bị buộc phải đóng cửa.
Chính quyền Hà Lan thông báo hủy toàn bộ các chuyến bay tại sân bay Schiphol ở thủ đô Amsterdam - một trong những trung tâm trung chuyển lớn nhất châu Âu. Tây Ban Nha cũng tuyên bố hủy hơn 80 chuyến bay ở 11 thành phố do ảnh hưởng của bão. Các dịch vụ đường sắt, phà, bao gồm cả dịch vụ tàu cao tốc Eurostar nối Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức và Anh, đã bị hủy hoặc tạm hoãn.
Trước đó, chính quyền Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan và một số nước đã đặt cảnh báo mức độ cao nhất đối với cơn bão Ciaran, đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trong trường hợp không cần thiết. Chính quyền Pháp đánh giá bão Ciaran là cơn bão mạnh nhất trong hơn 20 năm qua kể từ năm 1999 khi cơn bão Lothar đổ bộ vào nước này khiến 88 người thiệt mạng.