Sau vụ cô gái 18 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu, Bộ Y tế chỉ đạo gấp

Lan Hạ|08/07/2024 17:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Liên quan đến các ca mắc bạch hầu ở Nghệ An và Bắc Giang khiến một người tử vong, chiều 8/7, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương này tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời ca mắc bệnh, xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần.

Tử vong vì bệnh bạch hầu

Ngày 8/7, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An thông tin về 1 bệnh nhân P.T.C, (18 tuổi, trú tại Bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn) tử vong do bệnh bạch hầu.

Trước đó, ngày 24/6, bệnh nhân C, có biểu hiện sốt, ho, đau họng, tự mua thuốc điều trị (thuốc tây và thuốc nam) nhưng không đỡ. Đến đêm 30/6, C nhập viện TTYT Kỳ Sơn với tình trạng mệt mỏi, da, niêm mạc kém hồng, sốt 37,8°C, ho, đau họng, khàn tiếng, sưng vùng cổ phải, nuốt đau, nổi hạch góc hàm 2 bên, amydal to có dịch mủ, có giả mạc trắng bám amydal và lưỡi gà, dễ bóc tách. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu.

8-bach-hau.jpg
Bệnh bạch hầu nguy cơ tử vong rất cao. Ảnh minh họa 

Ngày 3/7, C tiếp tục sốt 39°C cùng các triệu chứng vẫn duy trì. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tuyến đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi sốc nhiễm khuẩn, bạch hầu biến chứng viêm cơ tim; theo dõi đợt cấp suy thận mạn; rối loạn đông máu; giảm tiểu cầu. Bệnh nhân đã tử vong vào sớm 5/7.

Trước thông tin về ca tử vong do mắc bạch hầu, cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An điều tra dịch tễ xác định có 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.

Liên quan đến ca bệnh này, CDC Bắc Giang thông báo về một trường hợp xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu. Đây là một trong 2 trường hợp có tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại Kỳ Sơn, Nghệ An.

Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xác định có 2 trường hợp tiếp xúc gần đang tạm trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang là chị M.T.B. và M.T.S. Kết quả xét nghiệm, M.T.B. (18 tuổi) mắc bạch hầu.

Được biết, từ ngày 25-28/6, hai cô gái này về Nghệ An thi tốt nghiệp THPT và ở cùng phòng với ca bệnh tử vong. Đến ngày 1/7, cả hai bắt xe từ huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) về huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), làm việc tại một quán karaoke ở thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh.

Đến ngày 5/7, khi biết thông tin bạn cùng phòng tử vong do bạch hầu, đồng thời có biểu hiện đau họng, cả hai chủ động ra hiệu thuốc mua kháng sinh uống. Sau đó, có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu, chị B được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) điều trị do tỉnh Bắc Giang không còn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu.

Mắc bạch hầu nguy cơ tử vong rất cao

Theo chuyên gia y tế, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp và có thể bùng thành dịch. Bệnh này được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có tỷ lệ tử vong cao, người nhiễm bệnh có thể tử vong trong vòng từ 6-10 ngày nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Biến chứng bệnh bạch hầu dễ gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu làm thay đổi giọng nói, sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn. Nặng thì hôn mê, sau đó tử vong.

Thời gian ủ bệnh từ 2-5 ngày, có thể lâu hơn. Có khá nhiều triệu chứng xuất hiện trong 2-5 ngày sau khi phơi nhiễm.

Theo khuyến cáo từ ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng, Trung tâm Tiêm chủng VNVC, cách phòng tránh lây nhiễm bệnh bạch hầu tốt nhất là tiêm chủng vaccine bạch hầu cho trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi, người già có bệnh nền mạn tính, người suy giảm miễn dịch, người sống trong gia đình có người mắc bạch hầu, người chăm sóc bệnh nhân bạch hầu… Vaccine phòng bệnh bạch hầu hiện nay có mặt trong tất cả các loại vaccine kết hợp dành cho trẻ từ độ tuổi 6 tuần tuổi cho đến 6 tuổi.

Khi có bất cứ triệu chứng nào của bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần nhanh chóng cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán điều trị kịp thời. Tránh tiếp xúc với người khỏe mạnh, người bệnh và cả người chăm sóc cần đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Người dân sống trong vùng có ổ dịch bạch hầu cần chấp hành nghiêm túc các chỉ định của cơ quan y tế về cách y, uống thuốc và tiêm phòng vaccine đầy đủ…

Liên quan đến các ca mắc bạch hầu ở Nghệ An và Bắc Giang, chiều 8/7, Bộ Y tế vừa yêu cầu các địa phương này tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời ca mắc bệnh, xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần.

Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.

Rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sau vụ cô gái 18 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu, Bộ Y tế chỉ đạo gấp
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.