Siết chặt quản lý chung cư mini, phát triển nhà ở xã hội

Mai Hạ|27/10/2023 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chiều 26/10, Quốc hội thảo luận toàn thể về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo đó, nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hiện nay, quản lý chặt chẽ việc quản lý chung cư mini, phát triển nhà ở xã hội…

Hài hòa lợi ích khi cải tạo, xây lại chung cư cũ

27-qh-tung.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Nhà ở (sửa đổi)

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đề nghị là cần dự liệu phương án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư khả thi hơn trong giai đoạn nhiều năm tới khi các nhà chung cư hiện đại, mới xây dựng trong thời gian gần đây đều đã xây tối đa hệ số cao tầng, sau này khi cải tạo, xây dựng lại không thể nâng chiều cao thêm nữa và dự án không đủ hấp dẫn nhà đầu tư nếu phải thực hiện cơ chế bồi thường với hệ số K như hiện nay.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến đại biểu là xác đáng, vì trong giai đoạn tiếp theo, các đô thị lớn sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực cải tạo các chung cư cũ ở nội đô đã xây tối đa chiều cao được phép xây dựng và không thể gia tăng được mật độ dân cư thêm nữa, do đó, các nhà đầu tư không còn động lực để thực hiện các dự án này, đồng thời, Nhà nước cũng không có đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng lại.

Để bảo đảm tính khả thi, hài hòa giữa lợi ích của chủ sở hữu nhà chung cư, Nhà nước và nhà đầu tư, đáp ứng yêu cầu chỉnh trang đô thị, xin tiếp thu ý kiến ĐBQH và chỉnh lý lại các điều 70, 71 và 72 của dự thảo Luật theo hướng: Đối với các chung cư cũ, xây dựng trước năm 1994 thì tiếp tục kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành về việc áp dụng hệ số K bồi thường căn hộ.

Đối với các chung cư mới, xây dựng sau năm 1994 mà thuộc diện xây dựng lại do vẫn phù hợp với quy hoạch thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư và được nộp kinh phí này theo tiến độ thực hiện dự án hoặc sau khi bàn giao căn hộ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt, nếu không đóng góp kinh phí thì được bồi thường quyền sử dụng đất, giá trị nhà ở còn lại (nếu có) theo quy định của Chính phủ.

Đánh giá cao nỗ lực tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án luật của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, đại biểu Hà Ánh Phượng (tỉnh Phú Thọ) bày tỏ đồng tình với việc bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm di dời của người dân ra khỏi nhà chung cư bị hư hỏng, có nguy cơ sập đổ, nghiên cứu cải tiến thủ tục, trình tự đầu tư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tránh trùng lặp, rút ngắn thời gian, tăng cường thu hút đầu tư. Đại biểu cho rằng, các quy định này góp phần nâng cao hiệu quả cải tạo chung cư cũ, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho cộng đồng dân cư.

Đề xuất loại hình chung cư mini dưới tên nhà ở nhiều tầng

Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn việc phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân, nhất là các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, phòng cháy, chữa cháy (PCCC); không cấp giấy chứng nhận cho từng căn hộ và căn hộ loại này chỉ được cho thuê, công tác quản lý vận hành do chủ nhà ở chịu trách nhiệm.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phát triển, quản lý, sử dụng loại hình nhà ở này thời gian qua, trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH, ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo số 529/BC-CP ngày 10/10/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý lại Điều 57 chặt chẽ hơn như sau: Đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân, nếu có từ 2 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ để cho thuê thì phải đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn xây dựng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

27-qh-tc.jpg
Toàn cảnh phiên họp chiều ngày 26/10 Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV

Phải được thiết kế, thẩm duyệt PCCC và thực hiện các biện pháp quản lý về an toàn PCCC theo quy định của pháp luật về PCCC. Trường hợp cá nhân xây dựng nhà ở từ 2 tầng trở lên để bán, cho thuê mua căn hộ, từ 2 tầng và quy mô từ 20 căn hộ trở lên để cho thuê đều phải lập dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Góp ý về quy định liên quan đến chung cư mini, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (tỉnh Cà Mau) nhận định, chung cư mini là loại hình nhà ở phù hợp với đối tượng thu nhập thấp. Tuy nhiên, hệ lụy của loại hình nhà ở này cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Cần có các quy định đáp ứng an toàn PCCC, đảm bảo công tác quy hoạch, đảm bảo an toàn cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh nêu thực tế, chung cư mini là loại hình nhà ở rất phổ biến cho các hộ gia đình trẻ, sinh viên, người đi làm tại các thành phố lớn do diện tích vừa phải, giá bán phù hợp với túi tiền, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở của hàng triệu người dân.

Theo đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã đề xuất loại hình chung cư mini dưới tên nhà ở nhiều tầng, điều này có nghĩa một hộ gia đình cá nhân có thửa đất vài trăm mét vuông có thể xây dựng chung cư mini để bán mà không cần phải thành lập doanh nghiệp; không cần lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản….

Hơn nữa, điều này cũng đặt ra vấn đề về báo cáo nghiên cứu khả thi thiết kế, cơ sở thẩm duyệt, PCCC, nghiệm thu PCCC… Nếu đưa lại hình này vào dự thảo luật sẽ dẫn đến chung cư mini sẽ phát triển rầm rộ, không chỉ vấn đề an toàn PCCC, mà còn liên quan đến giải quyết hạ tầng kỹ thuật xã hội, như trường học y tế hành chính dịch vụ cho các hộ gia đình chung cư mini sẽ đè nặng tại các đô thị lớn.

Về phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân người dân, còn gọi là chung cư mini quy định tại điều 57 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (tỉnh Yên Bái) ủng hộ việc bổ sung hoàn thiện các chính sách để phát triển loại hình nhà ở này, vừa huy động được các nguồn lực xã hội, nhất là của người dân tham gia phát triển nhà ở, vừa tạo điều kiện để một bộ phận công nhân lao động, người nghèo, người thu nhập thấp, học sinh, sinh viên khu vực đô thị có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở với chi phí hợp lý và các điều kiện đơn giản linh hoạt.

Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định tại Điều 57 chưa thật sự đầy đủ và khó khả thi, đề nghị sửa đổi bổ sung quy định tại điều này theo hướng: Nhà nước tập trung quản lý kiểm soát được quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, cấp phép xây dựng, tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ… Quá trình giao dịch quản lý sử dụng không phát sinh tranh chấp; đồng thời đơn giản hóa các điều kiện thủ tục hành chính để các cá nhân có quyền sử dụng đất và có tiềm lực tài chính có thể dễ dàng tham gia phát triển loại nhà ở này.

Trường hợp dự thảo luật chưa thể nghiên cứu bổ sung đầy đủ các quy định, có thể đưa ra các quy định cơ bản mang tính nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành về phát triển loại hình ở này, nhất là vấn đề liên quan đến bán, cho thuê mua, cấp giấy chứng nhận quản lý sử dụng.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại phiên thảo luận, đã có 18 đại biểu Quốc hội phát biểu, 9 đại biểu tranh luận, còn 55 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu chưa phát biểu gửi văn bản tới Ban Thư ký Kỳ họp để tổng hợp. Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung dự thảo luật, đồng thời cũng tham gia nhiều ý kiến hoàn thiện dự án luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo cũng như dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý chung cư mini, phát triển nhà ở xã hội