Moitruong.net.vn – Bảy thập kỷ phải đi mua nước ngọt để dùng đã dạy cho người Singapore cách quý trọng từng giọt và tìm mọi cách giữ gìn, bảo vệ nguồn nước

Năm 2015, Viện Tài nguyên thế giới có trụ sở tại Mỹ xếp Singapore vào danh sách các nước đối mặt với nạn khan hiếm nước nhất thế giới vào năm 2040 cùng với các quốc gia Trung Đông khác. Do đó, khẩu hiệu “Nước là tương lai của chúng ta” không phải là lời nói suông của chính phủ đảo quốc sư tử.

Xây 16 hồ chứa nước ngọt

Singapore có rất nhiều sông nhưng đa số đều ngắn và không đáng kể. “Cái khó ló cái khôn”, đảo quốc này đã bắt đầu xây các hồ chứa lớn trong những năm gần đây để tích trữ nước mưa và tận dụng sông ngòi như các ống dẫn tự nhiên vào hồ chứa.

Tính đến tháng 10-2019, Singapore đã xây được 16 hồ chứa nước ngọt. Nổi tiếng nhất là hồ chứa Marina nằm ngay khu trung tâm – từ một nơi chỉ toàn nước mặn đã biến thành hồ chứa nước ngọt sau khi một con đập chắn cửa biển được xây dựng và hoàn tất năm 2008.

Chưa dừng ở đó, để hạn chế tình trạng bốc hơi từ các hồ chứa trong mùa khô và tận dụng diện tích, Singapore nảy ra ý tưởng để các tấm pin năng lượng mặt trời nổi trên nước. Những thành công bước đầu cho phép quốc gia này đặt tham vọng sở hữu nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới vào năm 2020.

Ngoài xây dựng hệ thống dẫn nước mưa vào các hồ chứa, Singapore còn xử lý lại nước đã qua sử dụng và gọi là NEWater. Hiện có khoảng 5 nhà máy NEWater đang hoạt động ở Singapore, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu hiện tại của nước này và đặt mục tiêu 55% vào năm 2060.

Hồ chứa Marina – hồ chứa nước đầu tiên nằm giữa lòng thành phố của Singapore – Ảnh: PUB

Việc sử dụng sông ngòi như các đường dẫn nước tự nhiên đòi hỏi chúng phải luôn sạch và an toàn, nhưng làm thế nào để kiểm soát được con người đã làm gì trên các khúc vắng của những con sông? Singapore chỉ có một cơ quan duy nhất quản lý nguồn nước là PUB thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường nước, do đó áp lực lúc nào cũng đè nặng lên đơn vị này.

Điều may mắn là PUB không một mình. Trong khi chính phủ đưa ra nhiều sáng kiến và chính sách, các cá nhân cũng tham gia vào việc gìn giữ nguồn nước chẳng hạn như Hiệp hội Theo dõi đường sông (WWS) – một tổ chức tình nguyện được ông Eugene Heng thành lập cách đây hai thập kỷ.

Đều đặn mỗi tuần, các thành viên của WWS đều đạp xe hoặc chèo thuyền dọc theo các con sông của Singapore để nhặt rác. Họ thỉnh thoảng cũng dừng lại để tuyên truyền cho mọi người về tình trạng thiếu nước của Singapore và tầm quan trọng của việc giữ các dòng sông luôn sạch.

Mua nước thô, bán nước sạch

Nguồn nước ngọt hiện nay ở Singapore đến từ 4 nguồn chủ yếu là nước tự nhiên sau những trận mưa bão, nước đi mua từ Malaysia, nước tái chế và nước biển khử mặn. Theo ước tính của các chuyên gia, hơn 55% nước sử dụng ở Singapore là nước chưa qua xử lý nhập từ Malaysia.

Câu chuyện về nguồn nước của Singapore nóng trở lại kể từ tháng 3-2019 khi chính quyền bang Johor của Malaysia tuyên bố trong vòng 3 năm nữa sẽ không cần nước sạch từ Singapore. Chính phủ Malaysia trước đó đã nhiều lần muốn đàm phán lại giá bán nước chưa qua xử lý cho Singapore, cho rằng giá cũ 3 cent ringgit (RM) cho 1.000 gallon Anh (khoảng 4,5m3) nước là “quá nực cười”.

Năm 1962, khi còn là một phần của Liên bang Mã Lai, Singapore đã ký một thỏa thuận 99 năm với chính quyền bang Johor lân cận, cho phép Singapore mua tối đa mỗi ngày 250 triệu gallon nước thô từ sông Johor với giá như đã nêu trên. Đổi lại, đảo quốc sư tử phải bán cho bang Johor 5 triệu gallon nước sạch/ngày (tương đương 2% nhu cầu nước sạch của Singapore) với giá 50 cent RM/1.000 gallon.

Trước yêu cầu đàm phán lại giá bán nước thô của Thủ tướng Mahathir, Singapore đã lên tiếng bác bỏ, cho rằng Malaysia đã bỏ qua cơ hội điều chỉnh giá bán vào năm 1987 do đó mọi thứ phải được giữ nguyên, theo tạp chí Nikkei.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan thậm chí còn than vãn rằng Singapore đang bán lỗ nước cho Malaysia, khi mất tới 2,4 RM để xử lý 1.000 gallon nước thô nhưng bán lại chỉ 50 cent RM (chỉ bằng 1/5 giá xử lý). Song để có nước cho dân sử dụng, Singapore không còn cách nào khác, theo báo Straits Times.

Những tranh cãi kéo dài đến tận tháng 10 năm nay vẫn chưa được giải quyết và có thể hai bên phải nhờ trọng tài quốc tế phân xử.

Theo TTO

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Singapore quý từng giọt nước
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.