Sở Xây dựng TP.HCM vừa trình kế hoạch giảm ngập nước cho TP giai đoạn 2021-2025: TP.HCM cần khoảng 101.000 tỷ đồng (tương đương 4,3 tỷ USD) để cải tạo hệ thống thoát nước.
Số tiền này sẽ đầu tư vào các dự án thuộc quy hoạch 752 (về tổng thể hệ thống thoát nước của TP.HCM đến năm 2020) hơn 38.100 tỷ đồng.
Các dự án thuộc quy hoạch 1547 (quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM) hơn 20.600 tỷ đồng. Các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải 41.000 tỷ đồng. Và các công trình khác hơn 1.700 tỷ đồng.
Kế hoạch 8 tháng cuối năm nay, Sở Xây dựng cho biết TP sẽ khởi công 12 dự án, trong đó 11 dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường. Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè trị giá 307 triệu USD.
Tổng kinh phí 12 dự án này này khoảng 8.000 tỷ đồng.
Quá trình đô thị hóa quá nhanh cũng là nguyên nhân gây ngập ở TP.HCM. Ảnh Vietnamnet
Trong giai đoạn 2026-200, TP sẽ tập trung nguồn lực thực hiện các dự án dự báo, kiểm soát ngập nước nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình biến đổi khí hậu.
Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước theo quy hoạch tại khu vực ngoại vi. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án nạo vét trục thoát nước chính, chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch đường sông. Xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các lưu vực dân cư đông như bắc Sài Gòn, tây Sài Gòn, nam Sài Gòn.
Đồng thời, tập trung thực hiện các dự án, nâng cấp cải tạo hệ thống thoát nước giải quyết 18 tuyến đường ngập do mưa còn lại. Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước, đặc biệt khu vực phía Đông thành phố.
Song song, thành phố thực hiện nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước. Cụ thể: dự cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên; rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và Gò Vấp), kênh Hy Vọng (quận Tân Bình),…
Thành phố cũng sẽ hoàn thành dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, hoàn thiện giai đoạn 1 Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 3, mời gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải còn lại…
Sở xây dựng TPHCM nhìn nhận, dù tất cả các dự án trên hoàn thành thì khả năng kiểm soát ngập ở TPHCM 100% là điều không thể thực hiện được.
Lý giải nguyên nhân tình trạng ngập ở TP.HCM vẫn còn ‘dai dẳng’ Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân bao gồm khách quan và chủ quan.
Về khách quan, Sở Xây dựng cho biết do biến đổi khí hậu khi tần suất mưa và vũ lượng ngày càng lớn, vượt tần suất thiết kế hệ thống thoát nước.
Cụ thể, hiện nay hệ thống thoát nước TP chỉ đáp ứng tương ứng với mưa có vũ lượng trong 3 giờ dưới 100mm. Tuy nhiên, số liệu trong 40 năm (1962-2001), TP đã xuất hiện 9 trận mưa kéo dài 3 giờ và đạt vũ lượng mưa trên 100mm. Từ 2002 đến nay đã xuất hiện 59 trận mưa, có 7 trận mưa chỉ 60 phút nhưng vũ lượng đã đạt tới 100-212 mm.
Về triều, TP.HCM là khu vực có địa hình trũng nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều xâm nhập từ Biển Đông qua hệ thống sông Sài Gòn- Đồng Nai và sông Vàm Cỏ Đông. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước chỉ đáp ứng mức triều 1,3m.
Tuy nhiên, trong 27 năm (1980-2007) triều cường ở mức đạt dưới 1,5m. 12 năm trở lại đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đỉnh triều đã vượt mức 1,5m và có lúc chạm mức 1,8m.
Cùng với đó là nguyên nhân do dân số gia tăng quá nhanh. Quy hoạch cũ đô thị trước 1975 với quy mô dân số khoảng 2 triệu người và hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng được quy hoạch và thiết kế tương ứng với dân số.
Hiện nay dân số đã vượt con số 10 triệu (chưa kể dân vẵng lai) nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa tương ứng dẫn đến quá tải.
Ngập tại đường Nguyễn Văn Khối, quận Gò Vấp – Ảnh: Châu Tuấn
Về nguyên nhân chủ quan, Sở Xây dựng cho rằng quy hoạch về thoát nước, chống ngập, thủy lợi được phê duyệt không còn phù hợp nhưng chưa kịp bổ sung, điều chỉnh. Quá trình đô thị hóa quá nhanh, hạ tầng thoát nước chưa kịp theo quy hoạch gây ra tình trạng ngập úng.
Nhiều dự án phát triển đô thị, khu dân cư mới, khi thực hiện chủ đầu tư đã san lấp làm mất diện tích thấm, khả năng trữ nước tự nhiên của kênh, rạch nhưng chưa thực hiện bù lại diện tích thấm, thoát nước tự nhiên.
Ngoài ra, tình trạng xâm lấn kênh rạch, xả ra bừa bãi gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước….
Công tác kêu gọi đầu tư đang gặp khó khăn, khả năng huy động vốn từ ODA đang bị thu hẹp, chưa có cơ chế thu hút huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách.
Tiến độ triển khai các dự án còn chậm, đạt khoảng 46% theo Quy hoạch tổng thể thoát nước TP đến năm 2020. Quy hoạch hồ điều tiết chưa có nên chưa có cơ sở để triển khai thức hiện dự án.
Từ nay đến cuối năm, Sở Xây dựng xác định kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập, xử lý nước thải đảm bảo vận hành hiệu quả hệ thống thoát nước hiện hữu trên địa bàn TP.
Trong đó, sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 2 dự án giải quyết dứt điểm 3/18 điểm ngập gồm đường Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân.
Hoàn thành dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn một), tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng được đặt mục tiêu hoàn thành trong năm nay.
Nam Anh