Được biết, vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 1 giờ sáng 29/5. Điểm sạt lở tại phần đất thuộc Miếu Bà Chúa Xứ ở ấp 1, thị trấn Long Phú.
Theo lãnh đạo UBND huyện Long Phú sạt lở với chiều dài khoảng 45 mét, lấn sâu vào đất liền khoảng 25 mét, làm ảnh hưởng gần như đến khuôn viên và một phần ngôi miếu; không có thiệt hại về người, ước thiệt hại tài sản khoảng 3 tỷ đồng.
Tại hiện trường còn xuất hiện các vết nứt dài, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao trong thời gian tới.
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, các ngành chức năng H.Long Phú đã phối hợp chính quyền địa phương khẩn trương di dời những người ở trong Miếu Bà Chúa Xứ và các hộ dân lân cận đến nơi an toàn. Đồng thời, dựng rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân.
Theo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay, tỉnh ghi nhận nhiều vụ sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng. Tuyến đê biển Vĩnh Châu thuộc khu vực K39 - K45 tiếp tục bị xâm thực mạnh, rừng phòng hộ không còn, sóng biển uy hiếp trực tiếp vào thân đê.
Tại địa bàn huyện Cù lao Dung, sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên đê Tả Hữu thuộc xã An Thạnh Đông, khu vực xóm đáy của xã Đại Ân 1.
Sạt lở cũng diễn ra tại các địa phương của huyện Kế Sách. Tại xã Ba Trinh, sạt lở làm ảnh hưởng lớn đến độ an toàn khu di tích Thiều Quang Chổi; tại khu vực từ Cầu Lộ đến chùa Phật trên tuyến sông Rạch Vọp. Tại xã An Mỹ, sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại khu vực UBND xã cũ chiều dài 2.000m dọc theo rạch Phụng An.
Tại các cồn trên sông Hậu, nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tuyến đê sông bảo vệ cồn An Tấn , An Công, Phong Nẫm có chiều dài tổng cộng trên 250m.
Trên sông Rạch Mọp đoạn qua xã Song Phụng, huyện Long Phú đã ghi nhận 3 vụ sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.