Sớm có giải pháp bảo vệ, chuyển đổi hợp lý vườn tiêu Tây Nguyên

Theo Nhân dân|03/12/2018 00:49
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Diện tích hồ tiêu chết tăng đột biến

– Tính đến cuối tháng 11, đã có khoảng 4.000 ha cây hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên bị chết do sâu, bệnh; gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. Cả vùng vẫn còn hàng nghìn ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm, nếu không có giải pháp khắc phục, nhiều vườn tiêu sẽ bị “xóa sổ”.

>>>Chưa hết năm 2018, thiên tai đã gây thiệt hại 15.000 tỷ đồng

>>> Quảng Nam: Cá chết hàng loạt sau 1 đêm, người dân mất trắng

Đác Song là huyện trồng nhiều hồ tiêu nhất của tỉnh Đác Nông. Từ hơn hai tháng nay, nhiều vườn tiêu ở đây chết hàng loạt. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Đác Song Lê Hoàng Vinh cho biết, chưa có năm nào hồ tiêu lại chết nhiều như năm nay. Thống kê sơ bộ, đến giữa tháng 11 đã có hơn 1.900 ha trong tổng số 15.000 ha hồ tiêu của huyện bị nhiễm bệnh. Khoảng 314 ha đã chết hoàn toàn.

Tại xã Đác N’Drung (huyện Đác Song) từ cuối tháng 9 đến nay, hầu như nhà nào cũng có tiêu bị chết, có những hộ thiệt hại từ bảy đến tám nghìn trụ tiêu, thậm chí cả vườn tiêu chết hết, chỉ còn trơ trụ cột. Ước chừng, xã Đác N’Drung thiệt hại hơn 60 ha hồ tiêu. Sau mùa mưa kéo dài, thời tiết chuyển sang mùa khô. Cây hồ tiêu ở Đác N’Drung và nhiều địa phương khác chưa kịp phục hồi đã phải đối mặt với cái nắng gay gắt khiến cho bệnh trên cây càng nghiêm trọng, dự báo con số thiệt hại sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Trên toàn tỉnh Đác Nông, tính đến nay đã có hơn 1.500 ha hồ tiêu bị chết, nặng nhất là huyện Đác Song, tiếp đến là Tuy Đức, Đác R’Lấp. So với năm 2017, diện tích tiêu bị chết ở tỉnh này tăng hơn một nghìn ha.

Tại Gia Lai, theo thống kê sơ bộ, tính đến cuối tháng 10, tỉnh Gia Lai đã có hơn hai nghìn ha hồ tiêu bị chết. Trong đó, huyện Chư Prông có cả nghìn ha trong tổng số 2.500 ha tiêu bị thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân.

Tại Đác Lắc, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 820 ha cây hồ tiêu bị chết, tập trung chủ yếu tại các huyện: Ea Kar, Krông Búc, Krông Năng, Ea H’leo, M’Đrắc, Cư M’gar… So với năm 2017, diện tích cây tiêu bị chết đã tăng hơn 67%. Trên phạm vi toàn vùng, so với năm 2017, diện tích hồ tiêu bị chết ở các tỉnh Tây Nguyên đã tăng khoảng 20 đến 25%.

Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Đác Lắc Huỳnh Quốc Thích, nguyên nhân căn bản khiến cây hồ tiêu thời gian qua chết hàng loạt là do người dân ở một số địa phương trồng tiêu trên những diện tích đất không phù hợp, cây giống không bảo đảm chất lượng, khi trồng chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, kết hợp với thời tiết diễn biến phức tạp, mưa tập trung và kéo dài, gây ngập úng, làm tăng khả năng phát sinh, bùng phát bệnh hại. Ngoài ra, do cây tiêu rất mẫn cảm với một số loại sâu gây bệnh như bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng, rệp sáp hại rễ…., cùng với việc thâm canh cao bằng phân hóa học, bón phân không cân đối đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, sức đề kháng và khả năng chống chịu sâu bệnh của cây.

Quyền Viện trưởng Viện Khoa học – Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên Trương Hồng cho rằng, thời gian qua, mưa nhiều làm cho nhiều diện tích hồ tiêu bị úng. Việc thoát nước kém làm cho bộ rễ cây hồ tiêu bị thối và chết. Đồng thời, mưa nhiều làm cho độ ẩm đất cao, là môi trường thuận lợi cho nấm Phytophthora phát triển gây hại nghiêm trọng. Trong khi đó, giá hồ tiêu xuống rất thấp, người dân không có điều kiện đầu tư, chăm sóc khiến cây bị suy yếu, dễ dàng nhiễm bệnh. Điều đáng lo ngại hiện nay là các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn khoảng năm nghìn ha cây hồ tiêu bị nhiễm bệnh, trong khi mùa khô mới bắt đầu, người trồng tiêu sẽ còn phải đối mặt nhiều khó khăn.

Gỡ khó cho người trồng tiêu

Trưởng phòng NN và PTNT huyện Ea H’leo (Đác Lắc) Bùi Công Lăng cho biết, hơn 90% người trồng tiêu trên địa bàn huyện phải vay vốn từ các tổ chức tín dụng để sản xuất. Mỗi ha tiêu trồng mới phải đầu tư từ 300 đến 500 triệu đồng, sau thời gian khoảng ba năm chăm sóc, cây mới bắt đầu cho thu hoạch. Đối với nhiều gia đình, giờ đây khi cây tiêu chết, họ không còn nguồn thu nào để trang trải cuộc sống và trả lãi hằng tháng cho ngân hàng.

Trước tình trạng nêu trên, người dân, các cơ quan chức năng cần khẩn trương kiểm tra, tìm nguyên nhân gây bệnh và đưa ra phương án xử lý; đồng thời, phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh, các chi nhánh ngân hàng thương mại xem xét, có chính sách gia hạn (cơ cấu lại nợ, giãn nợ), giảm lãi suất cho người trồng tiêu.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) tỉnh Đác Nông Nguyễn Thiện Chân cho rằng, hồ tiêu là loại cây trồng rất dễ bị nhiễm bệnh, nhất là các loại bệnh do nấm và tuyến trùng gây hại. Thông thường bệnh phát sinh và gây hại trong mùa mưa, đến khi cây có biểu hiện bệnh ra bên ngoài thì có nghĩa cây đã bị nhiễm bệnh cách đó khoảng hai tháng, rất khó phòng trừ. Mặt khác, các đối tượng gây hại như nấm, truyền trùng sống thủy sinh trong môi trường nước cho nên vào mùa mưa lây lan rất nhanh. Do đó, ngay từ khi trồng mới, người sản xuất phải áp dụng tổng hợp các biện pháp chọn đất phù hợp, thoát nước tốt, chọn giống sạch bệnh, trồng đúng mật độ, khoảng cách, chú trọng bón phân hữu cơ… Đối với những vườn tiêu bị nhiễm bệnh, không còn khả năng cứu chữa, cần tiêu hủy, vệ sinh vườn, xử lý đất kỹ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng chân đất.

Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu ở Tây Nguyên là 17.800 ha. Nhưng hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã mở rộng diện tích lên tới hơn 92 nghìn ha. Hồ tiêu chỉ là loại cây gia vị, nhu cầu sử dụng hằng năm của người tiêu dùng tăng không đáng kể, do vậy, về lâu dài, muốn nâng cao chất lượng, giá trị hồ tiêu, các địa phương phải quản lý chặt chẽ vấn đề quy hoạch, không để xảy ra tình trạng “bùng nổ” diện tích như những năm qua. Tuy nhiên, đây lại là việc không dễ dàng. Quyền Viện trưởng Viện Khoa học – Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên Trương Hồng cho rằng, sẽ rất khó khăn để có thể đưa diện tích trồng cây hồ tiêu về đúng diện tích quy hoạch. Nhưng trong thời điểm hiện nay, khi mà giá hồ tiêu xuống thấp, cây bị nhiễm bệnh và chết nhiều, các địa phương có thể giảm được diện tích. Cơ quan chức năng nên vận động người dân chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn, đồng thời cần tiến hành quy hoạch lại vùng sản xuất gắn với tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu gắn với thị trường tiêu thụ. Đối với diện tích hồ tiêu không nằm trong vùng quy hoạch, sẽ không thu mua sản phẩm hoặc thu mua với giá thấp hơn so với hồ tiêu ở vùng quy hoạch và khi đó nông dân sẽ tự chuyển đổi.

Theo Nhân dân


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sớm có giải pháp bảo vệ, chuyển đổi hợp lý vườn tiêu Tây Nguyên
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.