Sốt xuất huyết gia tăng, các địa phương căng thẳng vì thiếu hóa chất diệt muỗi

Minh Ngân|14/06/2022 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Nam, tỷ lệ trẻ em tử vong cao hơn so với diễn biến mọi năm. Hầu hết các địa phương đang gặp khó về hoá chất diệt muỗi.

Chiều 13/6, tại Hội nghị tăng cường công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 và phòng chống sốt xuất huyết (SXH) khu vực phía Nam do Bộ Y tế tổ chức, các đại biểu bày tỏ nhiều lo lắng dịch SXH bùng phát. Trong khi đó, nhân sự chuyên trách mỏng, hóa chất diệt muỗi, thuốc điều trị có nguy cơ cạn kiệt do chậm đấu thầu. Do vậy, cần tập trung các giải pháp để kiềm chế số ca mắc bệnh.

Bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tận, Viện Pasteur TP.HCM cho biết, khu vực phía Nam đang là điểm nóng sốt xuất huyết của cả nước, chiếm khoảng 80% số ca mắc và 100% số ca tử vong.

Đặc biệt, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong 4 tuần trở lại đây, chiếm gần 50% số ca mắc và 45% tổng số ca tử vong tích luỹ từ đầu năm đến nay. Trong đó, các địa phương có số ca mắc tăng cao là TP.HCM, Bình Dương, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương…

Tính từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 39.317 trường hợp mắc sốt xuất huyết nhập viện, trong đó có 1.193 mắc nặng, tăng gần gấp đối so với cùng kỳ năm 2021 và có 36 trường hợp tử vong – đây cũng là những địa phương có số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết cao: TP.HCM (8), Bình Dương (8), Đồng Nai (5), Tây Ninh (5), Long An (3), Tiền Giang (2), Đồng Tháp (2), Sóc Trăng (1), Bình Phước (1), Bạc Liêu (1).

Cũng theo bác sĩ Quang, 5 tháng đầu năm số tử vong ở nhóm trẻ em cao hơn người lớn. Trong khi đó, những năm trước, số tử vong ở người lớn có nhỉnh hơn trẻ em.

Ra quân diệt lăng quăng để tránh bùng phát các ổ dịch SXH tại huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Ảnh: SGGP

Phân tích về các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, bác sĩ Quang cho biết, có đến 58% số trường hợp tử vong khi tiếp cận với y tế đầu tiên là nhập viên, còn lại 42% là điều trị ngoại trú trước sau đó mới nhập viện. Mặt khác, số trường hợp tử vong nhập viện đa phần là sốt xuất huyết nhóm C (nặng).

Trong khi đó, người dân khi mắc bệnh thường đến các cơ sở y tế tư nhân, do đó thông tin về các ca bệnh bị bỏ sót, ngành y tế không kịp thời xác định được ổ dịch khiến dịch bệnh lây lan rộng. Dự báo, trong thời gian tới, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng và số ca tử vong cũng tiếp tục tăng nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Nói về những khó khăn, tồn tại của các địa phương trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết 5 tháng qua như: Thiếu kinh phí chi cho các hoạt động như phun hóa chất diệt muỗi; thiếu hóa chất, máy phun thuốc diệt muỗi; việc mua sắm hóa chất từ sau đợt dịch COVID-19 hầu như còn “nằm trên giấy”. BS Quang lo ngại nếu xài hết hóa chất thì các nơi sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, sau đợt dịch COVID-19, nhiều nhân sự chống dịch mới chưa được huấn luyện nhiều. Năm qua, các cơ sở khám chữa bệnh chuyển công năng khám chữa bệnh COVID-19 nên người dân chủ yếu đến cơ sở khám tư nhưng nơi đây không nhập liệu ca bệnh lên hệ thống nên nhiều ca bệnh bị bỏ sót, xử lý sót ổ dịch. Đồng thời, các cơ sở chữa bệnh cũng không mua kịp sinh phẩm chẩn đoán xác định ca bệnh, thiếu dịch truyền cao phân tử điều trị SXH…

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, cả nước có 50.000 ca mắc sốt xuất huyết, miền Nam chiếm 89% số ca mắc. Theo bà Hương, hiện nay đang bước vào cao điểm dịch sốt xuất huyết, do mùa mưa là điều kiện hết sức thuận lợi cho muỗi phát triển.

Trong khi đó, nhận thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ bọ gậy/lăng quăng còn chưa cao; tình trạng di biến động dân cư, giao lưu giữa các vùng, miền liên tục tăng; có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị đang trong quá trình xây dựng; thói quen tích trữ nước trong các lu, khạp của người dân… là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và bệnh sốt xuất huyết lan rộng.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, điều trị, truyền thông phòng chống dịch ngay từ đầu mùa dịch nhằm hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong, khống chế không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.

Cũng tại hội nghị, một số đơn vị cho biết đang có hiện tượng thiếu dịch cao phân tử trị bệnh sốt xuất huyết và hóa chất diệt muỗi.

Minh Ngân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sốt xuất huyết gia tăng, các địa phương căng thẳng vì thiếu hóa chất diệt muỗi