Sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long: Cần tìm cơ hội trước những thách thức

Hồng Minh (T/h)|02/12/2019 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị sụt lún, tốc độ sụt lún ở thành thị cao hơn vùng nông thôn. Điều này đặt ra nhiều thách thức nhưng cần tìm cơ hội trong đó.

ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích và khoảng 19% dân số của cả nước. Thời gian qua, Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách và triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế – xã hội của vùng đất “chín rồng” này. Tuy nhiên thời gian gần đây, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì tình trạng sụt, lún đất đang xuất hiện ở nhiều nơi với tốc độ và mức độ không giống nhau.

Trước tình trạng sụt, lún đang đe doạ vùng ĐBSCL, đã có rất nhiều tổ chức, nhà khoa học trong nước và quốc tế nghiên cứu, tìm ra hướng khắc phục cho vùng, trong nước có Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ; quốc tế có Viện Địa kỹ thuật Na Uy, Đại học Stanford Hoa Kỳ, Đại học Ustrecht Hà Lan. Đặc biệt, từ cuối năm 2018, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Đức (gọi tắt GIZ) đã nghiên cứu và có báo cáo “Vấn đề dưới mặt đất – Sụt lún đất tại ĐBSCL”. Các chuyên gia của GIZ nhận định ĐBSCL đang sụt lún ở mức độ nhanh hơn so với mực nước biển dâng. Các số liệu do vệ tinh thu thập được từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2019 đã vẽ nên một bức tranh khá khắc nghiệt về các khu vực đang bị sụt lún, với tốc độ không hề giảm. Ở các đô thị như TP Cần Thơ, nền đất sụt lún ở hầu hết mọi khu vực, dao động từ 2 đến 4 cm/năm và điều này sẽ còn tiếp diễn. Trong khi đó, tại khu vực nông thôn, vệ tinh phát hiện sụt lún ở mức 1 cm/năm.

Một vụ sạt lở nghiêm trọng cắt đứt tuyến quốc lộ tại An Giang trong năm 2019

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL – cho biết: Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Utretch Hà Lan được Đại sứ quán Hà Lan công bố tháng 6/2017 thì trong 25 năm (1991-2015), việc khai thác nước ngầm quá mức ở ĐBSCL đã gây ra sự sụt lún đất trung bình cho toàn đồng bằng là 18 cm. Có những điểm nóng đã sụt lún trên 30 cm. Tốc độ sụt lún cũng đang gia tăng nhanh. Tốc độ sụt lún hiện nay là 1,1 cm/ năm tính trung bình cho toàn đồng bằng, có nơi sụt lún với tốc độ 2,5 cm/ năm, nhanh gấp nhiều lần so với nước biển dâng. Các thành phố và các vùng công nghiệp có tốc độ sụt lún càng nhanh hơn (đến 2,5 cm/ năm) so với các vùng nông thôn (khoảng 1,0 đến 2,0 cm/ năm).

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân cũng cho rằng ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ càng ngày càng bị lún chìm và xói mòn ngoài bờ biển. Điều này dẫn tới câu hỏi ĐBSCL trước thách thức này đang đi vào quá trình ngược lại lúc hình thành: Trước đây nước biển lùi, còn hiện tại mực nước biển tiến lên. Trong khi đó, phù sa trầm tích về vùng này ngày càng ít, trong khi cái hiện hữu lại bị khai thác quá nhiều…

Phải xem những thử thách là cơ hội

Tại Hội thảo về sụt lún đất ở ĐBSCL, ông Laurent Umans – Bí thư thứ nhất về nước và biến đổi khí hậu, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam – chia sẻ về giải pháp về tình trạng sụt lún của vùng ĐBSCL: Vấn đề cốt lõi của ĐBSCL cũng như TPHCM trong ứng phó với sụt lún và những hệ luỵ của nó là “xem những thử thách là cơ hội”. Như tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ đó là phát triển thuận theo quy luật tự nhiên, chuyển đổi cây trồng, con giống để tạo giá trị lớn hơn thay vì cố gắng làm trái với tự nhiên. Ông Laurent Umans nhấn mạnh: “Tôi nghĩ các vấn đề của ĐBSCL, TPHCM đối diện là cấp bách như sụt lún, ngập lụt. Và để sống chung với những vấn đề này cần phải có những kế hoạch từng bước, như 5 năm và dài hạn hơn. Bởi lẽ vấn đề sụt lún đến mực nước biển và xuống dưới mực nước biển là một khoảng rất dài. Ngay từ bây giờ cần phải có kế hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, các cơ chế phù hợp nhất trong quản lý và thích ứng với vấn đề hiện tại; đồng thời cũng dễ dàng điều chỉnh để ứng phó với diễn tiến tệ hại hơn trong tương lai”.

Ông Nguyễn Minh Khuyến cho biết: Qua quan sát, những vùng khai thác nước ngầm nhiều trùng với vùng bị lún nhiều, do vậy, cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu, đánh giá toàn diện và chi tiết đối với từng khu vực để có giải pháp ứng phó phù hợp. Đã có những kiến nghị gửi tới Thủ tướng thực hiện các giải pháp, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện điều tra, khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước ngầm, trước hết tập trung khoanh định các khu vực cần hạn chế do khai thác nước ngầm quá mức; xây dựng và thực hiện đề án tăng cường các biện pháp công trình và phi công trình để trữ nước cho ĐBSCL nhằm đưa phù sa vào nội đồng, trữ nước ngọt, giảm dần khai thác nước ngầm. Ngoài ra, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình nước sạch nông thôn, trong đó cần đầu tư, xây dựng hệ thống cấp nước tập trung nông thôn khai thác từ nguồn nước mặt nhằm giảm dần việc khai thác nước ngầm để cấp nước sinh hoạt…

Sạt lở ở TP Cần Thơ khiến nhiều căn nhà trôi sông

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cũng chỉ rõ, giữa hai vấn đề làm cho ĐBSCL chìm nhanh là nước biển dâng và sụt lún đất do khai thác nước ngầm thì sụt lún đất đáng lo hơn và đáng ưu tiên giải quyết ngay vì tốc độ nước biển dâng chỉ khoảng 3 mm/ năm, trong khi sụt lún của đồng bằng đang gấp 3 đến 4 lần và có nơi 10 lần như thế. Để giải quyết vấn đề sụt lún thì ĐBSCL cần phải gấp rút giảm ngay sử dụng nước ngầm. Để giảm việc sử dụng nước ngầm thì phải có nguồn nước khác thay thế. Đối với vùng ven biển nên thuận theo tự nhiên chuyển sang canh tác mặn vào mùa mặn và làm hệ thống công trình trữ nước, cấp nước cho sinh hoạt. Đối với vùng nội địa cần phục hồi lại sông ngòi để có thể sử dụng được như cách đây chỉ vài chục năm, trước khi thâm canh nông nghiệp với lượng lớn phân bón thuốc trừ sâu và nhiều công trình ngăn sông làm tích tụ ô nhiễm.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh: “Giải pháp chính cho ĐBSCL là nằm ở việc chuyển hướng nền nông nghiệp từ thâm canh, chạy theo số lượng, sang nông nghiệp giảm thâm canh, tập trung vào chất lượng và giá trị như tinh thần của Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vừng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Trước thông tin không chính xác về việc ĐBSCL nói riêng và miền Nam nói chung sẽ “biến mất” vào năm 2050 khiến cho dư luận hoang mang, mới đây trao đổi thêm với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung – Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ – cho rằng: Tình trạng ngập mà các báo cáo nêu thực chất chỉ diễn ra trong những thời điểm đỉnh triều, tức thời gian ngập 1 đến 2 giờ, không phải là ngập theo kiểu “biến mất” như những thông tin dẫn lại. Tuy nhiên, cũng cần quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nước ngầm, nhất là khu vực khai thác trữ lượng lớn. Mùa mưa ĐBSCL rất nhiều nước nhưng mùa khô lại dễ đối diện với khô hạn. Vì vậy, cần xây dựng những hồ điều hoà, trữ nước lũ, xem đó là tài nguyên để ứng phó với mặn mùa khô sẽ diễn ra trong thời g

Hồng Minh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long: Cần tìm cơ hội trước những thách thức