Tác động của biến đổi khí hậu (Bài 3): Nắng nóng, hạn hán và nỗi lo sinh kế của người dân

Hồng Anh|25/06/2020 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhiệt độ toàn quốc tăng cao, hạn hán kéo dài và bất thường, người thiếu nước uống, lúa thiếu nước tưới, đất đai khô cằn, cây cối xác xơ… việc sinh kế của người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo Báo cáo của Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích băng ở các cực liên tục giảm và nhiệt độ trung bình toàn cầu liên tục tăng. Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2010 – 2019 và 5 năm gần đây có nhiệt độ cao nhất trong 140 năm qua. Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office), năm 2020 sẽ là một trong những năm nắng nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp, kéo dài số năm ấm nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm nữa, kèm theo đó là tính bất ổn cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu, khu vực.

Nắng nóng trên diện rộng, hồ cạn trơ đáy

Tại Việt Nam, hầu hết các tỉnh thành đang bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng kinh khủng. Khu vực duyên hải Nam Trung bộ, những ngày này đang nóng như nung. Đâu đâu cũng lâm cảnh sông khô, hồ cạn, ruộng đồng nứt nẻ, rừng khô cỏ cháy. Không đủ nước để sản xuất, tưới tiêu trồng trọt đã đành, đến nước sạch sinh hoạt của người dân cũng bị thiếu trước hụt sau.

Cái nóng kéo dài suốt từ Bình Định vào tới Bình Thuận. Đã thế lại thêm tình trạng hạn hán, thiếu nước. Tại đây, người dân đang đứng trước nguy cơ phải đối diện với trận hạn lịch sử trong 2 năm liên tiếp. Đại hạn “gối đầu”, nhiều địa phương trần mình trong nắng nóng.

Tỉnh Bình Định có 165 hồ chứa thủy lợi, hiện dung tích các hồ chứa chỉ đạt 323/590 triều m3 (chiếm 55% dung tích thiết kế). Trong khi đó, tổng dung tích trong các hồ thủy điện đạt khoảng 34,3% so với toàn bộ dung tích thiết kế, thấp hơn so với mức trung bình nhiều năm khoảng 28,6%.

Cánh đồng lúa khô nứt nẻ do hạn hán tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Tại Khánh Hòa, hệ thống hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã xuống mức thấp, chỉ đạt trung bình 58% so với tổng dung tích thiết kế. Tỉnh Khánh Hòa hiện có 19 hồ chứa nước lớn với dung tích thiết kế gần 250 triệu m3. Tuy nhiên, dung tích các hồ chứa này hiện chỉ đạt 143 triệu m3, thấp hơn rất nhiều so với cùng thời điểm năm 2019 (đạt 226,8 triệu m3); tại nhiều hồ chứa có dung tích cao như hồ Đá Bàn, Suối Dầu, Cam Ranh, Suối Hành… chỉ đạt tỷ lệ 39-50% so với dung tích thiết kế.

Tình hình nắng hạn cũng diễn biến nghiêm trọng tại Bình Thuận. UBND tỉnh Bình Thuận đã công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2 xảy ra trên địa bàn, yêu cầu các địa phương tập trung ứng phó. Nhiều hồ thủy lợi cạn khô, trơ đáy; hiện nay, trong toàn hệ thống chỉ còn khoảng 27,4 triệu m3, chưa tới 11% dung tích thiết kế; chỉ bằng 1/3 so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Các địa phương trong tỉnh đang chống chọi với tình trạng hạn hán, nông dân không có nước sản xuất. Vụ Đông – Xuân vừa qua, toàn tỉnh đã phải cắt giảm hơn 15.400 ha lúa để ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc gia cầm và cây trồng lâu năm.

Tại Ninh Thuận, theo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh, hiện nay toàn tỉnh hiện có 21 hồ chứa với dung tích hơn 194 triệu mét khối. Nhưng do hạn hán đến nay chỉ còn khoảng hơn 65 triệu mét khối (31% tổng dung tích thiết kế).

Nắng hạn khắc nghiệt, người dân khốn khổ

Theo nhận định của các chuyên gia, năm nay, hạn hán, xâm nhập mặn được cho là khốc liệt chưa từng có trong lịch sử, vựa lúa gạo lớn nhất cả nước đang đối mặt với thách thức lớn.

Bến Tre hiện có trên 5.200 ha diện tích lúa bị thiệt hại, khoảng 20.000 ha cây ăn trái, 72.000 ha dừa và hơn 1.000 ha cây giống, hoa kiểng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tại tỉnh Long An, ước tính diện tích lúa bị ảnh hưởng trong mùa khô khoảng 13.500 ha; Sóc Trăng cũng có khoảng 4.000 ha lúa tại thiệt hại do xâm nhập mặn. Trong khi đó, tại tỉnh Tiền Giang, nước mặn đã làm ảnh hưởng đến tất cả các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh; hàng chục nghìn ha cây trồng tại “thủ phủ cây ăn trái” đã và đang thiếu nước trầm trọng.

Không chỉ gây thiệt hại về sản xuất, hạn mặn còn gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Cụ thể, hạn mặn gay gắt đã gây ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở ĐBSCL. Hiện có tới 96.000 hộ dân không đủ nước sinh hoạt. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay và lần sau càng khốc liệt hơn lần trước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Báo cáo của ngành Khí tượng thủy văn chỉ rõ là do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều đó là hiển nhiên, nhưng có một thực tế phủ phàng là vấn nạn phá rừng xảy ra nghiêm trọng, triền miên tại Việt Nam đã gây thêm hạn hán khốc liệt.

Lòng hồ tại trạm bơm Bình Phan (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), nơi cung cấp nước cho khoảng 8.500 ha đất trồng trọt ở địa phương đang cạn trơ đáy.

Nhiệt độ tăng, hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất. Cụ thể là năng suất lúa của vụ Xuân có xu hướng giảm mạnh hơn so với năng suất lúa của vụ mùa; năng suất ngô vụ Đông có xu hướng tăng ở Đồng bằng Bắc Bộ và giảm ở Trung Bộ và Nam Bộ.

Theo dự báo, nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời, thì hiệu quả năng suất lúa Xuân ở vùng ĐBSH có thể giảm 3,7% vào năm 2020 và giảm tới 16,5% vào năm 2070; năng suất lúa mùa sẽ giảm 1% vào năm 2020 và giảm 5% vào năm 2070. Mất đất canh tác trong nông nghiệp và năng suất cây trồng suy giảm sẽ đặt ra những thách thức và đe dọa đời sống của nông dân, vấn đề xuất khẩu gạo và an ninh lương thực quốc gia đối với một quốc gia mà nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân như Việt Nam (nông nghiệp chiếm 52,6% lực lượng lao động và 20% GDP của cả nước…)

Nắng nóng cũng tác động đến sức khỏe con người một cách nghiêm trọng, có thể gây tử vong do sốc nhiệt, tăng tỷ lệ nhập viện nói chung và do các bệnh hô hấp nói riêng, thậm chí tăng tỷ lệ bệnh nhân tâm thần. Nắng nóng còn làm tăng các vụ cháy rừng, tăng hạn hán, cũng như gây ảnh hưởng tới việc sử dụng đất và độ bao phủ của đất. Khi nhiệt độ tăng lên thì có thể làm xuất hiện một sự phát triển mạnh các loại thực vật sinh ra phấn hoa lạ phát tán ra môi trường gây dị ứng và tỷ lệ bệnh nhân hen suyễn tăng lên cao.

Biến đổi khí hậu đang ngày càng thể hiện tác động tiêu cực của nó tới sức khỏe con người. Việt Nam là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, ngoài nguyên nhân khách quan là do sự biến đổi của tự nhiên còn có nguyên nhân chủ quan là do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển hay trong khai thác sử dụng đất. Các hoạt động giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, sản xuất năng lượng, đốt các nhiên liệu hóa thạch, chặt phá đốt rừng… của con người đã phát thải các khí nhà kính như: CO2, CH4, hơi nước, N2O… vào khí quyển vượt quá khả năng hấp thụ của trái đất, hậu quả làm nhiệt độ trái đất tăng lên, dẫn tới hiện tượng biến đổi khí hậu.

Ứng phó nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với con người là hành động cấp bách phải có sự tham gia của tất cả các quốc gia trên trái đất. Với phương diện cá nhân, mỗi người cần điều chỉnh hành vi của mình góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, hạn chế tới mức thấp nhất có thể các hoạt động gây phát thải khí nhà kính làm ô nhiễm môi trường hoặc các hoạt động khai thác, sử dụng đất, chặt phá rừng bừa bãi… để bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và mục tiêu cuối cùng chính là bảo vệ sức khỏe con người.

Hồng Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác động của biến đổi khí hậu (Bài 3): Nắng nóng, hạn hán và nỗi lo sinh kế của người dân