Tác động của thủy điện (Bài 2): Gây suy giảm đa dạng sinh học và suy thoái môi trường

Trung Hiếu|27/10/2020 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sự gia tăng về số lượng các nhà máy thủy điện trong những năm qua là một trong những thách thức đáng lo nhất đối với môi trường tự nhiên và công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.

Suy giảm đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học là sự phong phú của nhiều dạng, loài và các biến dị di truyền của mọi sinh vật trong đời sống tự nhiên, sự đa dạng và phong phú này được chia làm nhiều cấp độ tổ chức sinh giới, đặc biệt là với các dạng hệ sinh thái của môi trường trên Trái Đất.

Việt Nam nằm trong 16 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, tính chất đa dạng sinh học đang chịu áp lực ngày càng tăng do hoạt động của con người và tình trạng biến đổi khí hậu. Trong đó, việc gia tăng số lượng các đập thủy điện trong những năm gần đây là một nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.

Các hồ thủy điện tác động đến chế độ dòng chảy và hệ sinh thái của khu vực. Ảnh minh họa

Theo đánh giá của các nhà khoa học, sản xuất thủy điện có thể làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của sông. Thứ nhất, các điều kiện sinh cảnh ở hạ du có thể bị suy giảm do lượng phù sa không còn đủ để cung cấp các chất dinh dưỡng hữu cơ và vô cơ quan trọng cho các loài sinh vật. Thêm vào đó, do một lượng lớn phù sa trong nước bị giữ lại khi chảy qua tua-bin, dẫn đến làm giảm lượng bồi lắng ở lòng sông và gây xói lở bờ sông.

Thứ hai, khi phù sa lắng đọng ở đằng sau con đập khiến cho lượng dinh dưỡng trở nên nhiều hơn và nhiều sinh vật tập trung ở đó hơn để tiêu thụ nguồn dinh dưỡng dồi dào này, cũng có nghĩa là tiêu thụ nhiều oxy hơn, gây ra hiện tượng suy giảm oxy trong hồ chứa. Tương tự, cát sỏi cũng bị giữ lại giống như phù sa, nên trong trường hợp sự chuyển dịch của sỏi cuội về hạ du là một yếu tố tạo nên các bãi đẻ trứng cho cá thì có nghĩa là các điều kiện sinh cảnh quan trọng có thể bị tác động. Tác động của các hồ chứa còn làm giảm độ phì nhiêu của vùng đồng bằng do lượng phù sa bị giữ lại trong lòng hồ.

Việc xây dựng các hồ thủy điện trên các dòng sông cũng tác động đến chế độ dòng chảy. Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng một phần vào sự ổn định bờ sông và hệ sinh thái hai bên bờ sông. Khi dòng chảy tự nhiên của một con sông thay đổi thì hệ sinh thái trong lưu vực con sông đó cũng bị ảnh hưởng theo. Nhiều công trình thủy điện, để tạo đầu nước lớn, nâng cao hiệu quả phát điện đã dùng kênh dẫn hay đường ống áp lực dẫn nước từ hồ chứa đến nhà máy thủy điện, nên đoạn sông từ đập đến nhà máy không có nước trở thành một đoạn sông chết.

Suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu

Thủy điện từng được cho là nguồn năng lượng sạch, nhưng quan niệm này chưa hẳn đúng, bởi chúng góp phần làm tăng phát thải khí mêtan (CH2), một loại khí nhà kính rất mạnh. Khí mêtan được sinh ra chủ yếu do vi khuẩn phân hủy chất hữu cơ trong điều kiện ít hoặc không có oxy. Xác động, thực vật bị ngập chìm dưới lòng hồ, phân hủy trong môi trường yếm khí hình thành nên mêtan. Do hệ thống ống dẫn nước cho các tua-bin thủy điện thường được đặt sâu dưới đáy hồ, dưới điều kiện áp suất cao, khí mêtan trong nước dễ dàng thoát ra ngoài.

Xây dựng đập trên dòng chính sông sẽ dẫn tới việc lắng đọng phần lớn phù sa trong lòng hồ mới hình thành, dẫn đến giảm lượng chất dinh dưỡng bổ sung cho đồng bằng châu thổ và lượng trầm tích ven biển. Hậu quả là độ phì của đất ngập nước bị suy giảm. Một số vùng ven biển như rừng ngập mặn thiếu trầm tích bổ sung có thể bị xói lở và tiếp tục bị thu hẹp diện tích. Trong khi đó, rừng ngập mặn có nhiều tác dụng trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Cần xem xét đánh giá kỹ tác động của những dự án thủy điện đến môi trường và đa dạng sinh học

Chức năng sinh thái quan trọng nhất của rừng là điều hòa khí hậu, giữ và điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất. Rừng được xem là nhân tố tự nhiên quan trọng, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường sống của cả hành tinh. Việc phá rừng để làm thủy điện mà không có biện pháp trồng rừng thay thế là nguyên nhân dẫn đến suy thoái môi trường và các hệ lụy là thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất, …

Trao đổi với phóng viên Moitruong.net.vn, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ – Trưởng ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết: Năm 2013, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 62 trong đó có đề cập đến việc dừng hoặc đưa ra khỏi quy hoạch những thủy điện nhỏ và vừa, vì nhiều dự án thủy điện khi so sánh thấy lợi ích không thể bù đắp những tác động đến môi trường. Việc quy hoạch và triển khai một dự án thủy điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến diện tích rừng và hệ sinh thái quanh khu vực đó, và các thủy điện phải được các cơ quan nhà nước phê duyệt thì mới triển khai được. Vì thế mà công tác đánh giá, thẩm định trước khi phê duyệt cần phải đặc biệt quan tâm.

Nói như vậy, không có nghĩa là phủ nhận việc đầu tư xây dựng các nhà máy thuỷ điện để cung cấp nguồn năng lượng cho quốc gia phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Vấn đề là phải làm sao khi đưa ra quyết định xây dựng công trình thủy điện, chúng ta phải cố gắng phát huy tối đa các lợi ích của công trình và giảm thiểu các tác hại của chúng đến môi trường và đa dạng sinh học. Điều này có thể thực hiện được nếu chúng ta vận dụng một cách khoa học bài toán đa mục tiêu trong đánh giá hiệu quả dự án đầu tư thủy điện.

Trung Hiếu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác động của thủy điện (Bài 2): Gây suy giảm đa dạng sinh học và suy thoái môi trường