(Moitruong.net.vn) – Sáng 3/10, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Sử dụng tro xỉ, thạch cao các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng ở Đồng bằng sông Cửu Long”.
Hội thảo sử dụng tro xỉ, thạch cao các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại Cần Thơ
Tham dự hội thảo có sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện các nhà khoa học, các đại biểu đến từ các tỉnh có nhà máy nhiệt điện…
Hiện nay, vấn đề tro xỉ trong quá trình đốt tại các nhà máy nhiệt điện được xem là một trong số các chất thải rắn. Phần lớn lượng tro xỉ này được vận chuyển ra ngoài bãi thải để tồn chứa dẫn đến cần diện tích và chi phí tồn chứa, chưa tái sử dụng dẫn đến phải tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên khác và là gánh nặng kinh tế và môi trường. Phát triển các công nghệ sử dụng tro, xỉ nhiệt điện trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng như: Tro bay làm phụ gia cho xi măng, phụ gia cho bê tông, vật liệu san lấp, gia cố… đã được tính đến.
Theo Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng, cả nước có 21 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động và sử dụng một trong hai loại công nghệ đốt là đốt than phun PC và công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn CFB. Theo điều tra tính toán đến cuối năm 2017, lượng tro xỉ, thạch cao tồn chứa trên cả nước khoảng 40 triệu tấn và hàng năm thải ra trên 15 triệu tấn. Trường hợp các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch và lượng tro xỉ thải ra không được xử lý thì đến năm 2018 là 61 triệu tấn; đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 là 248 triệu tấn và đến năm 2030 là 422 triệu tấn.
Mới đây, ngày 12/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 452/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng”. Thời gian thực hiện đề án này từ năm 2017 – 2020.
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các doanh nghiệp sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng đã trình bày các báo cáo nghiên cứu, các kinh nghiệm xử lý tro xỉ làm vật liệu xây dựng cũng như các văn bản, quy định mới về việc xử lý tro xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt diện, phân bón hóa chất…
Báo cáo cho biết, việc sử dụng tro bay đã được dùng làm phụ gia bê tông khối lớn cho các công trình đập thuỷ điện đã được áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn tại một số nhà máy thuỷ điện như: Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Bản Vẽ…
Việc tái tro xỉ thành nguyên liệu phối trộn làm vật liệu san lấp, gia cố nền đường, bê tông và gạch không nung đã triển khai nhưng chưa hoàn chỉnh và phổ biến trên diện rộng.
Tập trung chủ yếu vào việc sản xuất gạch không nung với ưu điểm bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng so với việc sản xuất gạch nung truyền thống từ đất sét.
Đặc biệt, việc tái sử dụng nguồn nguyên liệu tro, xỉ, để sản xuất vật liệu xây dựng cung cấp cho thị trường đồng bằng Sông Cửu Long không chỉ có tác động tích cực đến môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế trong đầu tư xây dựng do nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thay thế những loại vật liệu truyền thống có giá thành cao do nguồn cung khan hiếm, và chi phí vận chuyển cao.
H.Thu (t/h)