Tăng trưởng xanh tại Việt Nam - Bài 1: Những vấn đề đặt ra

Thu Hà|13/04/2023 16:43

Tăng trưởng xanh (TTX) là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai.

Tăng trưởng xanh là gì?

Khái niệm “tăng trưởng xanh” hiện đã được nhiều tổ chức trên thế giới đưa ra. Ủy ban Liên Hợp quốc về kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) định nghĩa: Tăng trưởng xanh là Chiến lược để đạt được phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh chủ trương tăng trưởng GDP mà duy trì hoặc khôi phục lại chất lượng và tính toàn vẹn của môi trường sinh thái, đồng thời đáp ứng các nhu cầu của tất cả mọi người với mức thấp nhất có thể tác động đến môi trường. Đó là một chiến lược tìm kiếm tối đa hóa sản lượng kinh tế trong khi giảm thiểu gánh nặng về sinh thái. Cách tiếp cận này tìm kiếm sự hài hòa về tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường bằng cách thúc đẩy những thay đổi cơ bản trong sản xuất và tiêu thụ của xã hội.

tang-truong-xanh-cua-viet-nam-1-.jpg
Tăng trưởng xanh (TTX) là nội dung quan trọng của phát triển bền vững

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: Tăng trưởng xanh là hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tối đa ô nhiễm và các tác động môi trường, có khả năng thích ứng trước các hiểm họa thiên nhiên và vai trò của quản lý môi trường và vốn tự nhiên trong việc phòng ngừa thiên tai...

Thực trạng phát triển tăng trưởng xanh tại Việt Nam


Ý tưởng về mô hình tăng trưởng xanh xuất hiện từ những năm 1970 do áp lực của cuộc khủng hoảng năng lượng 1972-1973. Tuy nhiên, vấn đề này trở nên cấp bách hơn trong hai thập niên gần đây. Cuối năm 2008, Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) đã phát động “Sáng kiến kinh tế xanh” với mục tiêu tăng cường hợp tác quốc tế ứng phó với khủng hoảng tài chính đi đôi với xử lý các vấn đề toàn cầu nhằm hướng tới PTBV của kinh tế thế giới hậu khủng hoảng. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế của Liên hợp quốc (OECD) sau đó, vào năm 2009 đã ban hành ấn phẩm đầu tiên đề cập đến TTX.

Mặc dù được nói đến nhiều trong thời gian qua, nhưng cho tới nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về TTX. UNEP cho rằng, một nền kinh tế xanh là nền kinh tế có sự cải thiện về đời sống và công bằng xã hội, đồng thời giảm một cách đáng kể những tổn hại về mặt môi trường và sinh thái. Trong nền kinh tế xanh, tăng trưởng về thu nhập và việc làm được tạo ra thông qua các khoản đầu tư của nhà nước và tư nhân giúp giảm thiểu khí thải CO2, giảm ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên và ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học, các dịch vụ hệ sinh thái. Còn theo OECD, TTX là một cách để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển trong khi bảo tồn môi trường, ngăn chặn sự mất mát về đa dạng sinh học và giảm thiểu việc sử dụng không bền vững tài nguyên thiên nhiên. Khái niệm “tăng trưởng xanh” lại được Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) định nghĩa là Chiến lược tìm kiếm sự tối đa hóa sản lượng kinh tế và tối thiểu hóa gánh nặng sinh thái. Với cách tiếp cận này, UNESCAP tìm kiếm sự hài hoà trong tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường bằng cách thúc đẩy những thay đổi cơ bản trong sản xuất và tiêu thụ của xã hội.

Tại Việt Nam, TTX được hiểu là “chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, công cụ kinh tế, từ đó góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và bảo đảm phát triển kinh tế bền vững”.

Được triển khai tại Việt Nam từ năm 2012, TTX được cụ thể hóa thông qua “Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” (Chiến lược tăng trưởng xanh) với các nhiệm vụ chiến lược là giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

tang-truong-xanh-cua-viet-nam-3-.jpg
Tăng trưởng xanh là hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tối đa ô nhiễm và các tác động môi trường

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là Cơ quan đầu mối triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, được Chính phủ giao trách nhiệm điều phối các hoạt động của các bộ, ngành và địa phương, triển khai thí điểm, rà soát, kiến nghị, điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ quan điểm PTBV, lồng ghép TTX vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đề án tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng TTX; xây dựng và hoàn thiện thể chế, nâng cao nhận thức, hướng dẫn, giám sát, đánh giá, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện các mục tiêu của Chiến lược và báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ. Với vai trò chủ trì này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành liên quan xác định những nhiệm vụ, dự án trọng điểm trong từng giai đoạn cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định và phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xác định và phân bổ nguồn tài chính trong nước, cũng như điều phối các nguồn tài trợ của nước ngoài, cơ chế chính sách thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh.

Với việc tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc đẩy mạnh tăng trưởng dựa trên việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thông minh nhằm hiệu quả hóa sử dụng tài nguyên, việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh trong 5 năm vừa qua đã thu được những thành tựu nổi bật, thể hiện ở những mặt, như: xây dựng thể chế, nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện, thúc đẩy huy động nguồn lực nhà nước và tư nhân.

Theo báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điểm nhấn quan trọng của hoạt động xây dựng thể chế cho TTX chính là việc bước đầu hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội cho tới các nghị định, thông tư trong nhiều lĩnh vực triển khai cụ thể. Nổi bật trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về TTX phải kể đến là Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/06/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ trong tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng TTX và PTBV. Đây là Nghị quyết tạo tiền đề cho hàng loạt những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan tới TTX, như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Khí tượng thủy văn và những điều chỉnh trong nhiều chiến lược quốc gia, chương trình quốc gia nhằm thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh một cách hiệu quả.

Với sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động TTX của mình, trong đó một số thành phố đã trở thành mô hình tiêu biểu về thực hiện xanh hóa kinh tế, như: Đà Lạt, Hội An, Hải Phòng hay Hạ Long. Thông qua Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và TTX giai đoạn 2016-2020, nhiều bộ, ngành và địa phương tiếp tục hỗ trợ để triển khai nhiều các hoạt động liên quan đến thể chế và triển khai thí điểm, cũng như ứng dụng các sáng kiến xanh vào thực tế đời sống.

Một số khó khăn, thách thức đặt ra


Bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam vẫn phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức cụ thể:

Thứ nhất, nhận thức của một số bộ, ngành và chính quyền địa phương về Chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng. Theo kết quả khảo soát, đến cuối năm 2018, mới chỉ có 7 bộ, ngành và 34/63 tỉnh, thành ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Điều đó cho thấy, việc cụ thể hóa chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia chưa phải là một nhiệm vụ bắt buộc cần ưu tiên thực hiện ở bộ, ngành và địa phương.

Thứ hai, các dự án mà các bộ, ngành, địa phương đã, đang thực hiện liên quan đến Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đều dựa trên sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ, chưa xuất phát từ năng lực nội sinh của bộ, ngành, địa phương.

Thứ ba, hiện nay, vẫn còn có sự xung đột, trùng lặp về mục tiêu giữa các chiến lược: Chiến lược phát triển bền vững; chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu; chiến lược tăng trưởng xanh...

Thứ tư, nguồn lực thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh hiện nay chưa rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh suy giảm kinh tế và cắt giảm đầu tư công.

Thứ năm, dù việc áp dụng, lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã đạt được một số thành tựu nhất định, song nhiều địa phương đang đối mặt với không ít thách thức, do thiếu các nhóm giải pháp cụ thể và chưa thật sự khả thi đối với hoàn cảnh cụ thể của địa phương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng xanh tại Việt Nam - Bài 1: Những vấn đề đặt ra