Táo muối Bàng La đặc sản được săn lùng dịp Tết

Lưu Trang|07/02/2024 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh cũng là lúc táo muối Bàng La vào mùa thu hoạch. Đặc biệt là vào dịp cuối năm và những ngày giáp Tết, loại quả này càng trở thành mặt hàng “hot” được nhiều người săn đón, tìm mua để ăn và tặng. Loại táo được trồng trên nền đất vốn là những cánh đồng muối và nhanh chóng trở thành đặc sản, được người dân Hải Phòng và các tỉnh lân cận ưa chuộng với tên gọi là táo muối.

Táo muối đặc sản của người dân miền biển

Táo là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân phường Bàng La, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Từ vùng đất nổi tiếng với nghề làm muối, quanh năm vất vả mà vẫn không đủ ăn, khoảng 20 năm trở lại đây, người dân chuyển dịch cơ cấu sang trồng táo. Nhờ mở rộng trồng giống táo đặc sản này mà giờ đời sống người dân Bàng La đã đổi khác.

Đây là một giống táo ta được diêm dân phường Bàng La, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng ghép trên những gốc táo lai, táo dại. Táo ta sinh trưởng và phát triển tốt trên những gốc táo dại, táo lai, đặc biệt thích nghi và phát triển tốt trên vùng đất chua, mặn, cho năng suất và chất lượng tốt.

nhung-trai-tao-mua-he-to-tron-tai-vuon-gia-dinh-ong-dung.jpg
Những cành táo trĩu nặng quả

Được biết, tháng 9, táo trổ hoa, một thời gian sau bắt đầu kết trái. Mùa thu hoạch táo kéo dài từ tháng 10 đến tháng Giêng âm lịch. Vì trùng với dịp tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Người dân Hải Phòng và các tỉnh lân cận, Tết nào cũng săn lùng táo muối Bàng La để ăn và tặng.

Táo muối Bàng La sinh trưởng tốt và cho quả có chất lượng hảo hạng trên vùng đất chua mặn. Vị táo ngọt thanh, chua nhẹ, giòn và mọng nước chỉ có duy nhất trong trái táo muối Bàng La, ngon hơn nhiều giống táo khác và rất được ưa chuộng, nổi tiếng đó đây. Mỗi khi khách du lịch đến Đồ Sơn thường ghé qua phường Bàng La để thăm vườn, thưởng thức loại táo đặc sản và mua về làm quà.

Năm 2015, táo Bàng La được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo vệ nhãn hiệu. Sản phẩm được cấp mã vạch của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tại vườn táo, ông Nguyễn Văn Sâm (Tổ hợp tác táo sạch phường Bàng La), chia sẻ: “Tôi trồng giống táo này đã được 20 năm, diện tích trồng táo hiện nay tôi có hơn 1 mẫu với 200 gốc, mỗi gốc cho thu hoạch hàng năm khoảng 50-60kg. Trước đây tôi chưa có kinh nghiệm chăm sóc thì sản lượng chưa được tốt, mấy năm trở lại đây được Hội Nông dân phường mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách chăm sóc táo cho các hộ dân. Sắp tới Tổ hợp tác táo sạch Bàng La chúng tôi sẽ phổ biến và nhân rộng mô hình trồng táo sạch tới các hộ dân nhằm phát triển hơn về chất lượng và số lượng để táo muối Bàng La được biết đến nhiều hơn trên cả nước”.

Người dân nơi đây thường ví táo Bàng La "ngọt như đường cát, mát như đường phèn", táo trồng an toàn, không phun thuốc kích thích. Táo trồng ở đây sai trĩu quả, mỗi cây có thể cho ra đến 100kg táo một vụ. Một sào táo thu được vài chục triệu đồng.

Những ngày cuối năm, người dân phường Bàng La tất bật ở vườn táo, hái từ sáng đến chiều muộn để có những mẻ hàng chất lượng giao cho lái buôn ở khắp nơi đổ về. Năm nào táo cũng được giá, đầu mùa lên tới 45.000-50.000 đồng/kg, đúng vụ thì giá táo khoảng 25.000- 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào dịp Tết thì giá táo lại cao hơn chút vì loại quả đặc sản này được săn lùng nhiều hơn để ăn và làm quà biếu Tết. Cuối mùa những quả táo còi cọc còn sót lại cũng được bán với giá 15.000-20.000 đồng/kg.

Niềm vui lộ rõ trên gương mặt bà Trịnh Thị Chiền (tổ dân phố Bắc Hải, phường Bàng La) khi vụ táo được mùa: “Nhà tôi trồng được 120 gốc táo, tuổi thọ mỗi gốc gần 20 năm. Vụ táo năm nay tôi vui lắm, vì từ khi chăm sóc táo theo Mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và chế phẩm sinh học (Tổ hợp tác táo sạch), tôi thấy cây táo phát triển tốt hơn, quả sáng bóng, to ngọt và năng suất cao hơn rất nhiều. Công chăm sóc thì dễ hơn, nhàn hơn, chi phí lại không cao như cách chăm sóc truyền thống ngày xưa. Tôi mong rằng sẽ có nhiều phương pháp, kỹ thuật tốt để chúng tôi áp dụng chăm sóc, phát triển loại táo này mang lại hiệu quả cao hơn nữa”.

Phát triển mô hình táo leo giàn

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Duy Dũng - Bí thư Đảng uỷ phường Bàng La cho biết: “Táo là cây trồng chủ lực của phường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, hiện cả phường có khoảng gần 1.000 hộ trồng táo. Đặc biệt, địa phương chúng tôi lại gắn liền với phát triển du lịch Đồ Sơn, chính vì vậy chúng tôi đang tích cực đẩy mạnh, phổ biến, hướng dẫn bà con có thêm kỹ thuật mới nhằm phát triển hơn giống cây trồng đặc sản này để mỗi du khách khi đến du lịch Đồ Sơn đều nhớ đến loại táo muối Bàng La”.

vuon-tao-cua-ong-nguyen-dac-tuan-to-truong-to-canh-tac-tao-sach.jpg

Vườn táo của ông Nguyễn Đắc Tuân - Tổ trưởng Tổ canh tác táo sạch

Điều thú vị hơn ở đây, chính vị Bí thư phường Bàng La lại là người đi đầu trong việc phát triển mô hình trồng táo mới, đó là trồng táo leo giàn: “Địa hình ở đây hay bị gió bão lớn nên tôi đã tìm tòi, nghiên cứu để chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang làm táo giàn để tránh đổ cây khi gió bão, tiện chăm sóc và thu hoạch. Tôi làm mô hình táo giàn này đã được khoảng 4 năm nay. Từ khi chuyển sang mô hình này năng suất quả tốt hơn, táo ngon ngọt hơn rất nhiều so với mô hình truyền thống”.

Đặc biệt, ông Dũng cho biết: “Trồng theo mô hình này một năm táo có 2 vụ thu hoạch, ngoài vụ táo chính truyền thống vào mùa đông hàng năm thì giờ thêm một vụ táo hè vào khoảng tháng 6-7 đúng mùa du lịch, táo mùa hè quả to tròn chứ quả không thon thon dài như táo mùa đông, hạt thì nhỏ hơn, thơm ngon hơn, năng suất cao hơn mùa đông. Tôi hi vọng làm táo theo mô hình này sẽ thu hút được khách du lịch đến với địa phương hơn”.

Ngoài ra, ông Dũng chia sẻ thêm: “Chúng tôi rất mong thời gian tới sẽ có nhiều hộ dân phát triển theo kỹ thuật trồng táo giàn này để thu hút các tour du lịch cộng đồng. Tôi cũng rất chú trọng, quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm và môi trường. Tôi đảm bảo táo 100% là sạch vì tôi bao lưới hoàn toàn cả vườn để tránh côn trùng nên là không phun thuốc bảo vệ thực vật, không bị côn trùng xâm hại vào quả, trên bề mặt đất trong vườn táo không để vương rác hay lá rụng, rất bắt mắt và xanh, sạch, đẹp”.

Cùng chung niềm đam mê và phương hướng phát triển với Bí thư phường, ông Nguyễn Đắc Tuân - Tổ trưởng Tổ hợp tác táo sạch theo mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và chế phẩm sinh học tâm sự: “Gia đình tôi trồng táo truyền thống được gần chục năm với khoảng 150 gốc táo. Thu hoạch mỗi năm khoảng hơn 9 tấn. Qua tìm hiểu và được phổ biến về mô hình táo leo giàn, theo mô hình mới tốt hơn thì tại sao mình lại không làm. Chắc chắn sau khi thu hoạch hết vụ này tôi cũng sẽ chuyển đổi dần sang mô hình táo giàn để táo phát triển tốt hơn, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Tôi cũng sẽ phổ biến và hướng dẫn thêm cho các hộ dân khác để nhân rộng hơn mô hình này, không chỉ với mục đích phát triển về trồng táo mà còn hướng tới góp phần vào phát triển du lịch địa phương”.

Bên cạnh đó, ông Tuân nhấn mạnh: “Mỗi năm chúng tôi đều quan tâm chăm sóc táo để đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên, về vấn đề thu mua, đầu ra cho sản phẩm thì chưa được chú trọng. Từ khi trồng táo, chủ yếu chúng tôi bán nhỏ lẻ, tự hái và tự chở đi bán cho lái buôn hoặc thi thoảng lái buôn vào vườn thu mua, chứ chúng tôi chưa có được hệ thống đầu ra đảm bảo. Mong rằng sắp tới được cơ quan chức năng quan tâm hơn giúp bà con chúng tôi có đơn vị bao tiêu sản phẩm để chúng tôi đỡ vất vả”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Táo muối Bàng La đặc sản được săn lùng dịp Tết