Tại tỉnh Đồng Nai, hiện tổng đàn gia cầm của địa phương này là trên 25 triệu con, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên địa bàn là rất cao. Điều đáng lo ngại là giá gà công nghiệp hiện chỉ còn từ 10 nghìn đồng đến 12 nghìn đồng/kg, thấp bằng một nửa giá thành sản xuất. Đây có thể là nguyên nhân khiến người chăn nuôi lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Hiện ngành nông nghiệp nói chung, các địa phương của Đồng Nai nói riêng đều đang tích cực triển khai hàng loạt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là công tác tiêm phòng để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Do công tác thống kê đàn gia cầm trước khi tiêm phòng chưa được thực hiện tốt đã ảnh hưởng đến việc đăng ký vaccine, nhưng hiện Chi cục Chăn nuôi – Thú y còn dự phòng 1 triệu liều vaccine phòng dịch cúm gia cầm, đảm bảo nguồn cung cho người chăn nuôi.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh yêu cầu các địa phương tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch. Ngành nông nghiệp tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo các địa phương trong công tác này. Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân ý thức trong phòng, chống dịch. Các huyện cần rà soát lại, tập trung cho công tác chỉ đạo; kiện toàn, củng cố các đội phản ứng nhanh tại các xã để luôn chủ động ứng phó với dịch bệnh; tăng cường giám sát các khu vực có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao; đảm bảo nguồn vaccine phòng, chống dịch…
Còn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng là địa phương có đàn gia cầm lớn khoảng 5,4 triệu con, tập trung nhiều ở các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, thị xã Phú Mỹ… tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp nên tỉnh cũng tăng cường các phương án phòng chống dịch.
Tình này đã tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống dịch đến người chăn nuôi, in 20.000 tờ rơi có nội dung thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên thế giới, trong nước và trong tỉnh để mọi người chăn nuôi biết và chủ động phòng, chống.
Tỉnh tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hệ thống thú y cơ sở và lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch… Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện các công tác phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học; hướng dẫn xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi, nuôi an toàn dịch bệnh.
Thực hiện tiêm phòng, giám sát sự lưu hành vi rút gây bệnh tại các cơ sở, hộ chăn nuôi, các chợ buôn bán gia súc, gia cầm hoặc từ những động vật ốm, chết không rõ nguyên nhân bằng hình thức lấy mẫu xét nghiệm định kỳ và đột xuất cũng như thường xuyên theo dõi và thống kê số lượng đàn vật nuôi để có biện pháp quản lý và giám sát đối với từng vùng, từng khu vực…
Mai Anh (T/h)