Tết của những chiến sĩ áo trắng: Hy sinh thầm lặng cho mùa Xuân ở lại

Nguyễn Lương|04/02/2022 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tết cổ truyền của dân tộc, đêm Giao thừa là những khoảnh khoắc thiêng liêng mà ai cũng muốn ở bên cạnh người thân yêu của mình. Nhưng với những người mặc áo Blouse trắng lại là một mơ ước mang theo bao xúc cảm. Bởi với họ, bệnh nhân khỏe mạnh, bình an được đoàn viên, sum vầy với gia đình đó mới là mùa Xuân.

Bác sĩ Vũ Bỉnh – Trực Tết như ở ngôi nhà thứ hai

Công tác tại khoa Ngoại thận – Tiết niệu của bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội 8 năm, bác sĩ Vũ Bỉnh chia sẻ: “Công việc chính của tôi là khám, điều trị và phẫu thuật cho bệnh nhân có bệnh lý về đường tiết niệu. Ngoài ra tôi cũng tham gia trực cấp cứu tiếp đón và xử lý những bệnh nhân có tình trạng về bệnh lý ngoại khoa ở khoa cấp cứu, nơi tiếp đón ban đầu của bệnh viện”.

“Trong suốt quá trình công tác ở đây, tôi có 4 năm đón Tết trong bệnh viện cùng kíp trực và người bệnh”, bác sĩ Bỉnh nói thêm.

Nhớ lại những năm đón Tết trong bệnh viện, bác sĩ Bỉnh kể: “Cách đây 3 năm – năm 2018, tôi được phân công trực đêm Giao thừa. Khoảng 22h, khi tôi cùng các đồng nghiệp của mình đang chuẩn bị để đón Giao thừa thì nhận được tin phải cấp cứu cho nhóm người vừa gặp tai nạn hàng loạt được đưa tới bệnh viện. Gác lại niềm hân hoan đón chào năm mới ở phía sau, cả kíp trực ngay lập tức bắt tay vào công việc chuyên môn để cấp cứu cho nhóm 10 thanh niên bị tai nạn vì tham gia đua xe. Trong đó, có ca bệnh chỉ cần sơ cứu là được ra về. Tuy nhiên, có trường hợp nặng, bị gãy xương, nặng hơn là chấn thương sọ não cần phẫu thuật ngay và 2 ca bệnh phải chuyển lên tuyến trên để điều trị gấp. Trải qua 4 tiếng, đến khi anh em chúng tôi xử lý công việc xong đã là 2h sáng của năm mới. Vậy là thời khắc thiêng liêng nhất của đêm Giao thừa đã qua mà lúc đó chúng tôi chỉ có một suy nghĩ là phải cố gắng hết sức để tất cả các bệnh nhân đều được an toàn. Nhiệm vụ đã hoàn thành, các y bác sĩ tuy không tiếc 4 giờ đồng hồ xuyên đêm, làm việc không ngừng nghỉ để chạy đua với thời gian cấp cứu cho bệnh nhân, nhưng chúng tôi cũng có phần chạnh lòng”.

Bác sĩ Vũ Bỉnh mong muốn đại dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi, giảm thiểu tối đa hậu quả do đại dịch gây ra cả về con người và của cải, cuộc sống bình thường trở lại với chúng ta một ngày gần nhất

Quả thực, với những ai có người thân công tác trong ngành y, hoặc trực tiếp làm công việc này như bác sĩ Bỉnh, họ mong lắm giờ phút được đoàn viên cùng gia đình trong thời khắc đón chào năm mới, được trở về bên những người thân yêu. Vậy mà nhiều người chẳng biết trân quý những gì mình có, tham gia đua xe để rồi lĩnh hậu quả là gặp tai nạn, phải vào viện ngay trong những giờ đầu tiên của năm mới. “Chẳng những vậy, một người vào viện có biết bao người ngoài kia lo lắng, bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để chăm sóc”, bác sĩ Bỉnh cho biết.

Cũng theo bác sĩ Bỉnh: “Dù không được cùng gia đình đón Tết trong những lần trực đó, nhưng chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên, chăm lo đời sống kịp thời từ lãnh đạo bệnh viện. Điều này cũng phần nào tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ y bác sĩ chúng tôi”.

Luôn lạc quan, vì trách nhiệm công việc, bác sĩ Bỉnh nói thêm: “Đội ngũ những người trong ngành y, việc trực Tết đã quá quen thuộc, cá nhân tôi sẵn sàng trực Tết với tinh thần lạc quan và tích cực bởi chúng tôi vẫn có ngày nghỉ. Điều này tôi muốn chia sẻ cảm xúc đến các chiến sĩ hải đảo, biên giới”.

Chính từ sự gắn bó, gần gũi trong công việc mà bác sĩ Bỉnh luôn có suy nghĩ, bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của mình.

Chia sẻ về ca trực Tết 2 năm qua bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bác sĩ Bỉnh cho biết: Hạn chế tụ tập đông người đảm bảo phòng dịch. Cùng với đó, Nghị định 100/2019 quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với các vấn đề vi phạm giao thông. Nến số lượng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông giảm. “Tuy nhên, trong thời kỳ dịch bệnh phức tạp, tất cả bệnh nhân đến thăm khám, điều trị đều phải xét nghiệm Covid-19. Nếu có ca nhiễm hay nghi nhiễm Covid-19, lúc đó chúng tôi phải cách ly, phân luồng bệnh nhân bệnh viện phải tiến hành phun khử khuẩn. Với những bệnh nhân diều trị là F0, cần có kíp điều trị riêng”.

Ngoài ra, nơi bác sĩ Bỉnh đang công tác có khu điều trị Covid-19 khá lớn ở Hà Nội. Nên những ai vào đó trực Tết này sẽ có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Bác sĩ Bỉnh chia sẻ: “Các đồng nghiệp của tôi phải cố định ở đó để chăm sóc những ca bệnh đặc biệt. Sau khi hoàn thành công việc, họ phải tự theo dõi, cách ly khoảng 14 ngày mới được về sum họp cùng gia đình”.

“Trước thềm Xuân Nhâm Dần 2022, ngoài mong muốn về sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội, tôi mong muốn đại dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi, giảm thiểu tối đa hậu quả do đại dịch gây ra cả về con người và của cải, cuộc sống bình thường trở lại với chúng ta một ngày gần nhất”, bác sĩ Bỉnh bày tỏ.

Trực tết – Nhiệm vụ thiêng liêng của người bác sĩ

Sau khoảng thời gian gần 3 năm học bác sĩ nội trú, bác sĩ Hải Anh về công tác tại Phòng Hồi sức và cấp cứu, Trung tâm Thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai. Dù mới có 5 năm gắn bó với nơi đây, thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để lại nhiều kỷ niệm đối với anh.

Do quê ở xa nên bác sĩ Hải Anh thường được đồng nghiệp ưu tiên xếp lịch trực tránh những ngày Tết chính (từ 30 đến mùng 3 Tết). Tuy vậy, Tết năm ngoái, do tình hình dịch bệnh hạn chế di chuyển giữa các địa phương, bác sĩ trẻ đã có năm đầu tiên đón giao thừa và ăn Tết tại Hà Nội. “Buổi trực sáng mùng Một Tết Tân Sửu có lẽ tôi sẽ không thể quên trong cuộc đời làm bác sĩ của mình. Đầu năm, kíp trực đi làm với một tâm trạng vô cùng phấn khởi và chúng tôi còn đùa nhau “bệnh nhân đang ở nhà ăn Tết, chắc hôm nay chưa ai nhập viện”, bác sĩ Hải Anh chia sẻ.

Đối với bác sĩ Hải Anh, anh và các đồng nghiệp không coi trực tết là sự thiệt thòi mà chỉ đơn giản là nhiệm vụ thiêng liêng của một người bác sĩ

Bác sĩ trẻ nhớ lại: “Thế vậy mà chỉ vài phút sau, những chiếc xe đưa bệnh nhân chuyển tuyến ùn ùn kéo vào. Đột quỵ thường xảy ra đột ngột, ít khi có dấu hiệu báo trước, diễn biến của bệnh nhanh hơn so với các bệnh lý khác. Bản thân làm việc tại Trung tâm Thần kinh, nhận thức được tầm quan trọng của việc chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể đem lại tiên lượng rất tốt cho bệnh nhân đột quỵ não nên các anh chị em trong kíp trực đó đều nhanh chóng, khẩn trương từng giây từng phút để giành giật sự sống cho người bệnh. Bệnh nhân nhập viện đông, những người bệnh đang nằm điều trị nội trú với chẩn đoán tai biến mạch máu não, trạng thái động kinh cũng đột nhiên chuyển nặng cần phải thực hiện thủ thuật.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh một bệnh nhân nam gần 70 tuổi đưa người con hơn 40 tuổi bị hôn mê sâu do chảy máu não vào muộn, nắm lấy tay từng nhân viên y tế như níu lấy chút hơi thở mong manh sắp rời xa con trai mình. Có những nghẹn ngào pha hối hả, những buồn bã bị che lấp bởi những giọt mồ hôi. Ngày đầu tiên của năm mới, tới tận 4 giờ chiều, kíp trực mới có thể chia nhau vào ăn trưa khi mọi công việc đã tạm ổn. Ca bệnh nặng đó đã được cứu sống, trở về bên gia đình đón xuân, thành quả đó làm chúng tôi còn vui hơn Tết”.

Phòng Hồi sức và cấp cứu, Trung tâm Thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai

Bác sĩ trẻ Hải Anh tâm sự: “Bản thân đã trải qua những tháng chống dịch giữa tâm bão Thành phố Hồ Chí Minh, tận mắt chứng kiến những đau thương mà dịch bệnh Covid-19 đã càn quét lên đồng bào mình, tôi không có mong muốn gì hơn rằng dịch bệnh Covid-19 sẽ nhanh chóng kết thúc. Sâu thẳm trong lòng, chúng tôi muốn được nhìn thấy nụ cười của người bệnh thay vì chiếc khẩu trang vô tri kia”.

Đối với bác sĩ Hải Anh, bản thân và các đồng nghiệp không coi trực tết là sự thiệt thòi mà chỉ đơn giản là nhiệm vụ thiêng liêng của một người bác sĩ. Họ đã quen với những cái Tết trong viện, những chiếc bánh chưng được chia sẻ từ một bệnh nhân đã quen mặt, gói mứt Tết có cậu bé nhỏ đem mừng tuổi “các cô, các chú”.

Nguyễn Lương

Bài liên quan
  • Đặc sắc phiên chợ Đồng Văn
    Moitruong.net.vn – Chợ phiên Đồng Văn không chỉ là nơi trao đổi buôn bán hàng hóa mà còn là nơi hội tụ nhiều sắc màu văn hóa của đồng bào Mông, Tày, Nùng, Hoa, Dao. Cuộc sống của cộng đồng các dân tộc ở trên cao nguyên núi đá Hà Giang chưa bị thương mại hoá nhiều, nên phiên chợ Đồng Văn còn giữ được nhiều nét thuần phác cổ truyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tết của những chiến sĩ áo trắng: Hy sinh thầm lặng cho mùa Xuân ở lại
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.