Trong báo cáo mới nhất về tiến trình đạt được 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đánh giá rằng trong khi các chính phủ trên thế giới đã thực hiện “vô số hành động” thì “những người và quốc gia dễ bị tổn thương nhất vẫn tiếp tục phải chịu đựng nhiều nhất”.
17 Mục tiêu Phát triển Bền vững cam kết các nước huy động mọi nỗ lực nhằm chấm dứt mọi hình thức nghèo đói, chống bất bình đẳng và chống biến đổi khí hậu. Báo cáo vừa công bố theo dõi tiến trình của 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc thực hiện 17 mục tiêu này và thông qua một tầm nhìn rộng bao quát toàn cầu. Tuy nhiên, trong khi nhiều xu hướng liên quan tới SDGs là phổ biến cho tất cả các khu vực thì lại tồn tại nhiều khác biệt quan trọng trong khu vực.
Một gia đình bị mất nhà do cơn bão Aila đang chờ đợi sự giúp đỡ ở Koira, Bangladesh. (Ảnh: UNICEF)
Biến đổi khí hậu
Từng được Tổng thư ký Guterres mô tả năm ngoái là một “mối đe dọa hiện sinh” đối với nhân loại song triển vọng đạt được các mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu lại vẫn rất ảm đạm. Với sự gia tăng khí thải nhà kính, biến đổi khí hậu đang diễn ra theo tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự báo và “tác động của nó được cảm nhận rõ ràng trên toàn thế giới”.
Mục tiêu, vốn đã được các nhà lãnh đạo thế giới cùng thống nhất, là giữ cho tốc độ ấm lên toàn cầu dưới ngưỡng 2°C và, nếu có thể là 1,5°C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Nhiệt độ trung bình của hành tinh đã cao hơn 1°C so với mức của giai đoạn tiền công nghiệp, nhưng nếu chúng ta không làm đủ thì sự nóng lên toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức không bền vững và có thể vượt quá 3°C vào cuối thế kỷ này.
Mặc dù các quốc gia đã có những biện pháp tích cực trong việc phát triển kế hoạch khí hậu và tăng các khoản đầu tư đã cam kết để tài trợ cho các hoạt động này song theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, “cần có kế hoạch nhiều tham vọng hơn và những hành động tăng tốc” về giảm thiểu và thích ứng với khí hậu.
Nghèo
Nghèo cùng cực, mà theo Liên hợp quốc định nghĩa là tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các nhu cầu cơ bản của con người, vẫn tiếp tục giảm, nhưng sự suy giảm này đã chậm lại đến mức thế giới không đi đúng hướng để đạt được Mục tiêu chưa đầy 3% dân số thế giới sống trong tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030. Theo ước tính hiện tại thì nhiều khả năng con số này sẽ là khoảng 6%, tương đương khoảng 420 triệu người. Đây thực sự là “một tình huống đáng lo ngại nghiêm trọng”, theo người đứng đầu Liên hợp quốc.
Các cuộc xung đột bạo lực và thảm họa là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này. Ở khu vực Ả Rập, nghèo cùng cực trước đây chỉ dưới 3%, tuy nhiên, xung đột ở Syria và Yemen đã làm gia tăng tỷ lệ nghèo tại đây.
Nạn đói
Nạn đói đang tăng trở lại trên thế giới, với khoảng 821 triệu người thiếu dinh dưỡng trong năm 2017, so với 784 triệu người vào năm 2015. Do đó, 1 trong số 9 người trên thế giới không có đủ ăn.
Châu Phi vẫn là lục địa có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất, ảnh hưởng đến 1/5 dân số, khoảng hơn 256 triệu người. Đầu tư công vào nông nghiệp đang giảm trên toàn thế giới, và theo Tổng thư ký Liên hợp quốc tình huống này cần phải được đảo ngược. “Các nhà sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ và hộ nông dân gia đình cần nhiều hỗ trợ hơn, và cần phải đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và công nghệ cho nông nghiệp bền vững” – ông Guterres nhấn mạnh.
Các quốc gia đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự thiếu đầu tư này. Tỷ lệ các nhà sản xuất thực phẩm nhỏ ở các nước châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh dao động từ 40 đến 85%, so với dưới 10% ở châu Âu.
Sức khỏe, y tế
Nhiều tiến bộ đáng kể đã được thực hiện trong việc cải thiện sức khỏe của hàng triệu người và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tuổi thọ tăng cao hơn, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh và cuộc chiến chống lại các bệnh nguy hiểm nhất, các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, mặc dù đạt được những cải thiện này song ước tính vẫn có khoảng 303.000 phụ nữ trên toàn thế giới đã chết vì các biến chứng của việc mang thai và sinh nở vào năm 2015, phần lớn trong số họ ở khu vực châu Phi cận Sahara.
Những tiến bộ trong việc kiểm soát các bệnh chủ yếu, như sốt rét và lao, đã bị đình trệ hoặc không tiến triển đủ nhanh, trong khi ít nhất một nửa dân số thế giới, khoảng 3,5 tỷ người, không có quyền truy cập vào các dịch vụ y tế thiết yếu.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nói rằng “những nỗ lực phối hợp là cần thiết để đạt được bảo hiểm y tế toàn cầu, tài chính y tế bền vững và để giải quyết gánh nặng ngày càng tăng của các bệnh không truyền nhiễm, bao gồm cả sức khỏe tâm thần”.
Bình đẳng giới
Bạo lực giới vẫn tồn tại. Trên khắp thế giới, khoảng 1/5 phụ nữ trong độ tuổi 15 – 49 đã bị lạm dụng thể chất hoặc tình dục trong 12 tháng qua. Tỷ lệ cao nhất trong 47 quốc gia nghèo nhất thế giới.
Mặc dù một số chỉ số về bình đẳng giới đang tiến triển, chẳng hạn như số lượng nam giới và nữ giới trong lực lượng lao động giảm đáng kể, song tỷ lệ cắt xén bộ phận sinh dục nữ và kết hôn sớm vẫn còn cao. Ngoài ra, không đủ tiến bộ về các vấn đề cơ cấu gây ra bất bình đẳng giới.
Bất bình đẳng, chẳng hạn như phân biệt đối xử pháp lý, các chuẩn mực và thái độ xã hội không công bằng, ra quyết định về các vấn đề tình dục và sinh sản, và mức độ tham gia chính trị thấp, đang làm suy yếu các nỗ lực để đạt được mục tiêu.
Tổng thư ký Liên hợp quốc nêu rõ: “Đơn giản là không thể đạt được 17 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà không đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái”.
Một người mẹ với đứa con trai suy dinh dưỡng trong trại tị nạn Dagahaley ở Dadaab, Kenya. (Ảnh: OCHA)
Lao động và việc làm
Các chuyên gia đồng ý rằng tăng trưởng kinh tế bao gồm tất cả các thành phần của xã hội và bền vững có thể thúc đẩy tiến bộ và tạo ra những phương tiện để thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Trên toàn cầu, năng suất lao động đã tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp đã trở lại mức được quan sát trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhưng nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng với tốc độ chậm hơn. Và những người trẻ tuổi có khả năng thất nghiệp cao gấp 3 lần so với người trưởng thành.
Theo Tổng thư ký Guterres, “cần tiến bộ hơn nữa để tăng cơ hội việc làm, đặc biệt là cho những người trẻ tuổi, giảm việc làm không chính thức và khoảng cách về giới và thúc đẩy môi trường làm việc an toàn để tạo ra công việc tốt cho tất cả mọi người”.
Hạnh Mai (T/h)