Thái Bình ghi nhận 73 ca mắc sốt xuất huyết mới trong 1 tuần

Hoàng Thơ |23/10/2024 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dịch sốt xuất huyết ở Thái Bình tiếp tục diễn biến phức tạp với 3 ổ dịch mới xuất hiện tại 3 xã chỉ trong vòng 1 tuần.

Theo báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thái Bình, trong tuần qua, từ ngày 14/10 đến 20/10, trên địa bàn tỉnh Thái Bình ghi nhận thêm 73 ca mắc sốt xuất huyết mới, trong đó có 42 ca nội sinh.

Đáng chú ý, đã ghi nhận 03 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 3 xã: Đông Mỹ (Thành phố), Vũ Ninh (Kiến Xương) và Đông Trung (Tiền Hải).

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Thái Bình ghi nhận tổng cộng 1.020 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó số ca mắc nội sinh chiếm hơn 63%.

dich-0623.jpg
Cán bộ y tế ở Thái Bình phun khử khuẩn nơi phát sinh ca mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các địa phương tổ chức xử lý kịp thời, hiệu quả các ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao sau khi tổng vệ sinh môi trường.

CDC Thái Bình khuyến cáo, yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Với các bệnh có vắc xin, thường xuyên khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch đúng theo hướng dẫn.

Hướng dẫn vệ sinh môi trường để phòng chống sốt xuất huyết:

1. Diệt lăng quăng/bọ gậy

Tổ chức các hoạt động diệt lăng quăng/bộ gậy thường xuyên đến từng hộ gia đình thông qua hoạt động của cộng tác viên y tế, học sinh và các tổ chức quần chúng (dùng hóa chất diệt ấu trùng muỗi, thả cá, đậy nắp, loại bỏ vật dụng phế thải...)

2. Xử lý dụng cụ chứa nước (chum vại, bể nước mưa, cây cảnh...)

Dùng các biện pháp ngăn ngừa muỗi sinh đẻ (có nắp đậy thật kín...); thả cá hoặc các tác nhân sinh học khác trong dụng cụ chứa nước; lật úp các dụng cụ gia đình như xô, chậu, bát, máng nước gia cầm; khơi thông những vị trí có nước tù đọng, dọn rửa thường xuyên dụng cụ chứa nước lâu ngày.

3. Loại trừ ổ bọ gậy

Đối với bẫy kiến, lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh hoặc điều hòa nhiệt độ: Dùng dầu hoặc cho muối vào, thay nước 1 lần/tuần, cọ rửa thành dụng cụ chứa nước để diệt trứng muỗi truyền bệnh; thu dọn, phá hủy các ổ chứa nước tự nhiên hoặc nhân tạo (chai, lọ, lu, vò vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa...); các hốc chứa nước tự nhiên (hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa...): loại bộ, lấp kín, chọc thủng hoặc làm biến đổi; sử dụng hóa chất diệt ấu trùng muỗi tại các ổ đọng nước như: các hố ga ngăn mùi, bể cảnh, lọ hoa...; phát quang bụi rậm.

4. Phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng

Chủ động triển khai phun hóa chất diệt muỗi kết hợp với chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy ngay từ khi có nguy cơ nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát.

Bài liên quan
  • Sau mưa lũ, dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh ở Nghệ An
    Do ảnh hưởng của bão số 3, số 4 và mưa trong những ngày vừa qua đã khiến dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Nghệ An bùng phát mạnh. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh Nghệ An, hiện toàn tỉnh có trên 40 ổ dịch tại 14/21 huyện, thành phố và thị xã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thái Bình ghi nhận 73 ca mắc sốt xuất huyết mới trong 1 tuần
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.