Tham gia Hội thảo có đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Nguyên cùng một số ban, ngành, địa phương, các trường Đại học trên địa bàn, các nhà khoa học, nhà sản xuất và phân phối các sản phẩm nông sản của tỉnh cùng các cơ quan truyền thông của Trung ương và địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 35 đơn đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm của địa phương, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp 27 văn bằng bảo hộ (gồm: 1 chỉ dẫn địa lý, 5 nhãn hiệu chứng nhận và 21 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh). Trong đó có 13 văn bằng bảo hộ cho sản phẩm chè gồm: 1 chỉ dẫn địa lý, 2 nhãn hiệu chứng nhận, 10 nhãn hiệu tập thể.
Những sản phẩm được cấp quyền bảo hộ đã mang lại giá trị về nhiều mặt. Đặc biệt, nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" đã được bảo hộ thành công tại 6 nước và vùng lãnh thổ; chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” được công nhận bảo hộ tại Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, việc quản lý và phát triển các nhãn hiệu tập thể cho nông sản hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, tại Hội thảo, các đại biểu tham gia đóng góp nhiều ý kiến về những nội dung như: Thực trạng việc quản lý và phát triển các nhãn hiệu tập thể đã được cấp cho sản phẩm nông nghiệp; những tồn tại, bất cập của hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển các nhãn hiệu tập thể; những khó khăn trong quản lý và phát triển tài sản trí tuệ là nhãn hiệu tập thể cấp cho nông sản của địa phương…
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đề ra khuyến nghị đề xuất các cấp có thẩm quyền hỗ trợ xây dựng kế hoạch, chương trình để công tác quản lý và phát triển các nhãn hiệu tập thể cấp cho các sản phẩm nông sản của tỉnh Thái Nguyên ngày càng đi thực chất và mang lại hiệu quả cao.