Bảo vệ môi trường

Thanh Hóa: Bảo vệ môi trường – nhìn từ vấn đề rác thải sinh hoạt và tinh thần hưởng ứng của toàn dân

Nguyễn Trường - Sơn Hà 11:31 21/10/2024

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) của tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng được cải thiện, nâng cao; góc nhìn này được thể hiện rõ nhất ở tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được nâng cao, đảm bảo vệ sinh môi trường

Thị trấn Rừng Thông là bộ mặt của huyện Đông Sơn. Bởi vậy, công tác vệ sinh môi trường luôn được cấp ủy, chính quyền thị trấn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, đảm bảo theo tiêu chuẩn đô thị. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể thị trấn thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BVMT bằng việc chung tay dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm và thu gom rác thải đúng nơi quy định, nhằm đảm bảo tốt cảnh quan môi trường trên địa bàn. Đồng thời, bố trí hệ thống thùng rác xanh trên các tuyến phố, tạo nên cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp. Bên cạnh đó, HTX dịch vụ môi trường Tân Sơn duy trì tốt việc thu gom rác thải ở các tổ dân phố và vận chuyển đến khu xử lý theo quy định. Hàng năm, tỷ lệ rác thải được thu gom trên địa bàn thị trấn Rừng Thông luôn đạt 100%. Để nâng cao hiệu quả trong việc BVMT ở khu dân cư, thị trấn Rừng Thông đã chỉ đạo các hội, đoàn thể xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản về vệ sinh môi trường (VSMT).

anh-1.jpg
Huyện Đông Sơn đã hình thành phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, với sự đồng lòng, nhất trí cao.

Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn huyện Đông Sơn do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa thu gom, vận chuyển về khu liên hiệp xử lý chất thải rắn của huyện để xử lý theo quy trình. Theo số liệu thống kê, năm 2023, khối lượng CTRSH phát sinh của toàn huyện khoảng 28.738 tấn. Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa thu gom hơn 27.998 tấn CTRSH, đạt tỷ lệ 97,42%. Cùng với đó, 100% hộ gia đình trong huyện được dùng nước sạch đạt 100%; 97,1% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Toàn huyện cũng đã xây dựng được 154 bể chứa vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại đồng ruộng.

Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Như Thanh đã đóng góp mua thùng đựng rác có nắp đậy để chứa rác, bảo đảm vệ sinh. Đến nay, rác thải được thu gom thường xuyên, đường làng, ngõ xóm đã sạch, đẹp hơn. Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống mạng lưới thu gom, xử lý rác thải cũng được huyện chú trọng. Theo thống kê, trong năm 2023, lượng CTRSH phát sinh trên toàn huyện là 12.310 tấn, trong đó thu gom, xử lý được 11.059 tấn, đạt gần 90%. Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh trong năm là 1.300 tấn và được thu gom xử lý 100%. Chất thải y tế nguy hại phát sinh 3.376kg/năm và cũng được thu gom, xử lý theo quy trình. Được biết, từ năm 2016, huyện Như Thanh đã ký kết với Công ty CP Môi trường xanh – sạch – đẹp Thành Tâm xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt. Đến nay, tỷ lệ rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện được thu gom, xử lý bằng công nghệ đốt đã đạt trên 94%.

anh-4.jpg
Tỳ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của huyện Như Thanh cao hơn 90%, đây là một con số khá cao đối với các huyện miền núi

Theo dữ liệu của Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống, lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trung bình khoảng 2.506 tấn/ngày, trong đó: khu vực đô thị khoảng 878 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 1.628 tấn/ngày. Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 33 công ty, 24 hợp tác xã, 91 tổ dịch vụ và 03 hộ gia đình nhận khoán tham gia công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt với khoảng 3.000 phương tiện phục vụ thu gom, vận chuyển rác. Năm 2023 khối lượng CTRSH phát sinh khoảng 914.410 tấn, khối lượng rác thu gom và xử lý là 839.837 tấn (đạt tỷ lệ 91,8%); trong đó, khối lượng được xử lý bằng biện pháp chôn lấp là 68%, khối lượng được xử lý bằng công nghệ đốt là 27,3%, khối lượng được tái chế đạt 4,6%. Ước tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý năm 2024 đạt 91,5%; năm 2025 đạt 92%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý toàn giai đoạn 2021-2025 đạt 92%.

anh-1.jpg
Bãi rác Núi Voi, phường Đông Sơn, Thị xã Bỉm Sơn, mỗi ngày đón nhận một lượng chất thải rắn sinh hoạt rất lớn của các địa phương: Bỉm Sơn, Hà Trung, Nga Sơn

Công tác xã hội hóa BVMT được chú trọng, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia

Mới đây, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã huy động đoàn viên, hội viên và nhân dân đồng loạt ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, phát quang, dọn dẹp, thu gom rác thải trên các tuyến đường. Tại xã Hải Long có khoảng trên 200 cán bộ, công chức, viên chức xã, đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể, khu dân cư trên địa bàn đồng loạt tham gia dọn dẹp VSMT với các hoạt động như: phát quang bụi rậm, cỏ dại, cắt tỉa cây xanh che khuất tầm nhìn, thu gom rác thải... Kết quả, có hơn 10km các trục đường trung tâm, đường lớn của xã được dọn dẹp vệ sinh. Tại xã Yên Lạc, ngoài tổng dọn VSMT đường làng, ngõ xóm, Hội LHPN còn phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới tặng 130 thùng rác cho các hội viên trong xã...

anh-3.jpg
Phụ nữ huyện Như Thanh tham gia bảo vệ môi trường

Đây là một trong nhiều hoạt động mà thời gian qua huyện Như Thanh đã phổ biến và phát động. Nhiều chương trình đã được địa phương làm tốt, có sức lan tỏa, thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia: Tổ chức hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, “Ngày Môi trường thế giới” (5-6); “Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn”; phát động tháng cao điểm hành động vệ sinh môi trường...

Đặc biệt, UBND huyện Như Thanh còn chỉ đạo các phòng, ban liên quan cấp huyện phối hợp với Hội LHPN, Hội Nông dân huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức tập huấn cho người dân về việc phân loại rác tại nguồn; tự làm men vi sinh, ủ rác thải thực phẩm thành phân bón; đồng thời duy trì và nhân rộng các mô hình BVMT ở các địa phương, như mô hình “Đường hoa”; “Hàng rào xanh”, “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ”... Theo thống kê từ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Như Thanh, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị chức năng của huyện đã tổ chức được 5 lớp tập huấn kiến thức về Luật BVMT và XDNTM, phân loại rác thải tại nguồn cho hộ gia đình tại các xã Mậu Lâm, Thanh Tân, Phượng Nghi, Phú Nhuận, Yên Thọ và thị trấn Bến Sung với hơn 800 lượt người tham gia.

Tại huyện Đông Sơn, công tác xã hội hóa BVMT đã được cấp ủy, chính quyền huyện thực hiện hiệu quả, nhất là sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể chính trị trong việc xây dựng mô hình BVMT ở cơ sở. Hằng năm, UBND huyện phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị phát động các phong trào BVMT, như: hội nông dân với phong trào “Thu gom và xử lý chất thải nguy hại ngoài đồng ruộng”; hội LHPN với chương trình "5 không- 3 sạch”; đoàn thanh niên với phong trào “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể chính trị còn lồng ghép nội dung BVMT vào chương trình công tác năm. Đồng thời, thành lập các câu lạc bộ BVMT, đảm nhận đoạn đường tự quản về vệ sinh môi trường.

anh-2.jpg
Môi hình Ngôi nhà xanh được Hội LHPN huyện Đông Sơn phát động đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho môi trường và xã hội

Đến nay, trên địa bàn các xã, thị trấn đã thành lập các tổ tự quản về vệ sinh môi trường do các chi hội trong thôn, khu phố đảm nhận, như đoạn đường tự quản do hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh đảm nhận. Mặt khác, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi làm hầm biogas, sử dụng đệm lót sinh học, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học đảm bảo VSMT.

anh-5.jpg
Một trong những thành công lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa với công tác BVMT là đã thu hút được toàn dân hưởng ứng, tham gia

Có thể nói, thời gian qua trên địa bàn Thanh Hóa, phong trào toàn dân tham gia BVMT được phát động rộng rãi với nhiều mô hình hay, cách làm khéo; mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Hàng loạt mô hình do các hội, đoàn thể được triển khai như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã với mô hình "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường"; Tỉnh Đoàn thanh niên duy trì hoạt động Câu lạc bộ "Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường", "Thanh niên bảo vệ dòng sông quê hương"; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 05 không, 03 sạch"; Hội Nông dân triển khai mô hình "Thu gom, phân loại, xử lý chất thải trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng dân cư". Các mô hình đã thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng tích cực. Qua đó, ý thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp nâng cao rõ rệt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa: Bảo vệ môi trường – nhìn từ vấn đề rác thải sinh hoạt và tinh thần hưởng ứng của toàn dân