Thanh Hóa: Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đất, sạt lở sông tại nhiều khu vực

Hoàng Thơ |02/10/2024 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của bão số 3, Thanh Hóa đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đất, sạt lở bờ sông tại 2 huyện Thạch Thành và Thường Xuân.

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hoá vừa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ hữu sông Âm trên địa bàn xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

sat-lo-bo-song-huu-am.jpg
Hiện trạng bờ sông Âm (đoạn qua xã Ngọc Phụng) bị sạt lở

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ, mực nước sông Âm dâng lên cao, dòng chảy xiết, gây xói lở các đoạn bờ sông với tổng chiều dài sạt lở khoảng 1.100m. Tại thôn Hưng Long, vị trí sạt sâu nhất khoảng 50m, chiều dài sạt lở khoảng 650m.

Khu vực sạt lở có nguy cơ gây mất an toàn đến tính mạng và tài sản của 77 hộ dân/346 nhân khẩu, 2,4km đường dân sinh, tuyến đường điện 35kV, tuyển kênh xi phông (TX17), 03 nhà van thuộc Hệ thống kênh Nam sông Chu, Bắc sông Mã, 30 ha đất sản xuất nông nghiệp (16ha mía, 14ha lúa) và 02 khu nghĩa trang của thôn.

Diễn biến sạt lở tại khu vực này có chiều hướng phát triển phức tạp, khó lường, nhất là khi có mưa, lũ xảy ra.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thanh Hoá giao UBND huyện Thường Xuân triển khai ngay các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người, tài sản của các hộ dân sinh sống trong khu vực ảnh hưởng của sạt lở.

Tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra. Thực hiện rào chắn, cắm mốc, biển cảnh bao nguy hiểm trong phạm vi sạt lở và thông tin, tuyên truyền cho các hộ dân, đơn vị trong khu vực biết để chủ động phòng tránh; tuyệt đối không cho người, phương tiện, vật nuôi đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là khi xảy ra mưa, lũ.

Khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án ứng phó theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người và tài sản theo phương châm "4 tại chỗ"; thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của sạt lở.

Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Xây dựng và các đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Thường Xuân tổ chức thực hiện đảm bảo theo quy định.

Các cơ quan truyền thông: Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa thông tin, cảnh báo về tình huống khẩn cấp nêu trên đề Nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

sat-lo-thanh-hoa.jpg
Đồi Bá Đàn ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) xuất hiện vết nứt lớn. (Ảnh: Hoàng Dương)

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đất trên địa bàn huyện Thạch Thành.

Do ảnh hưởng liên tiếp của bão số 3, số 4, tại thôn Đồng Thành, xã Thành Yên (huyện Thạch Thành) xuất hiện một cung sạt với chiều dài khoảng 120m, đỉnh cung bị tụt khoảng 1,2m, chiều rộng khe nứt lớn nhất khoảng 45cm.

Tại các thôn Chính Thành, Định Thành và Ngọc Nước (xã Thành Trực) có 3 vị trí xuất hiện các vết nứt và đã gây sạt lở đất vào các công trình, nhà ở của các hộ dân; tổng chiều dài các khu vực sạt lở khoảng 410m.

Tại khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân cũng xuất hiện 3 vị trí nứt và đã gây sạt lở đất vào các công trình, nhà ở của các hộ dân; tổng chiều dài các khu vực sạt lở khoảng 300m.

Một số vị trí đất sạt lở đã tràn xuống công trình, nhà ở của người dân, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến các công trình khác trong khu vực.

Tình trạng sạt lở tại các địa phương ảnh hưởng trực tiếp đến 54 hộ/188 nhân khẩu. Tình trạng sạt lở cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến Tỉnh lộ 523.

Cơ quan chức năng Thanh Hóa dự báo trong thời gian tới, đặc biệt khi có mưa lớn, tình hình sạt lở còn diễn biến rất phức tạp, khó lường.

UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Thạch Thành theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, thiên tai và tình hình sạt lở, báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền khi có các tình huống phát sinh, nguy hiểm xảy ra.

Chính quyền địa phương cũng cần thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động biện pháp ứng phó; tiếp tục hỗ trợ hộ dân bị ảnh hưởng của sạt lở phải đi sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

"Tuyệt đối không để người dân trở lại sinh sống khi chưa đảm bảo an toàn, nhất là khi có mưa lớn xảy ra", chính quyền tỉnh yêu cầu.

Tỉnh cũng giao huyện Thạch Thành cắm biển sự cố, khoanh vùng, lập rào chắn, cử người canh gác 24/24h tại khu vực bị ảnh hưởng của sạt lở, không để người, phương tiện và vật nuôi đi vào khu vực nêu trên; kịp thời xử lý các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra, thực hiện biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của sạt lở…

Về các biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Thạch Thành, Thường Xuân tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá cụ thể về phạm vi, quy mô, mức độ sạt lở, xác định giải pháp xử lý phù hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa: Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đất, sạt lở sông tại nhiều khu vực