Thanh Hóa: Đảm bảo an toàn đê điều trước mùa mưa lũ

Nguyễn Trường|03/06/2024 12:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mùa mưa lũ 2024 đến gần, tỉnh Thanh Hóa, ngoài việc tăng cường kiểm tra, thống kê các tuyến đê chưa đảm bảo an toàn để có biện pháp xử lý; còn phải gấp rút thực hiện khẩn trương nhiều công trình đê quan trong, để ngăn ngừa những thiệt hại đáng tiếc xảy ra, nhất là trong bối cảnh thời tiết có nhiều diễn biến bất thường và cực đoan như hiện nay.

Nhiều tuyến đê chưa đảm bảo an toàn

Thông tin từ tỉnh Thanh Hóa cho thấy, địa phương này hiện có 1.008 km đê sông và đê biển, trong đó: có 64,7 km đê cấp I; 183,6 km đê cấp II; 66,7 km đê cấp III; 693 km đê dưới cấp III. Trên các tuyến đê có 1.121 công trình cống, âu và 433 công trình kè bảo vệ với tổng chiều dài 253,76 km.

Đối với các tuyến đê từ cấp I đến cấp III, cao trình cơ bản đáp ứng yêu cầu chống lũ lịch sử đã xảy ra. Tuy nhiên, so với cao trình thiết kế trong quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, vẫn còn 131,5 km đê có cao trình thấp hơn quy hoạch; 63,07 km mặt đê còn hẹp, chưa đảm bảo chiều rộng tối thiểu; 123,91 km đê cao trên 5m nhưng chưa có cơ đê.

anh-11.jpg
Nhiều tuyến đê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị xuống cấp nghiêm trọng

Một số đoạn đê sát sông, đang có diễn biến sạt lở cần theo dõi, như: đê hữu Sông Mã, đoạn qua thị trấn Hậu Hiền, huyện Thiệu Hóa; đê tả Sông Lèn, đoạn qua xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung; đê hữu Sông Lèn, đoạn qua xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc,... có 22 công trình đê từ cấp I đến cấp III đang được đầu tư nâng cấp, tu bổ, tổng chiều dài 14,6 km, tỉ lệ khối lượng thực hiện ước đạt từ 20% - 90%.

anh-12.jpg
Tuyến đê tả sông Lèn, đoạn qua xã Lĩnh Toại (Hà Trung, Thanh Hóa) - một trong những tuyến đê có cao trình thấp hơn quy hoạch

Đối với đê dưới cấp III, cao trình các tuyến đê cơ bản đáp ứng yêu cầu chống lũ. Tuy nhiên, so với cao trình thiết kế theo quy hoạch tỉnh, vẫn còn 228,36 km đê chưa đảm bảo; 57,31 km đê chưa đủ chiều rộng mặt đê tối thiểu; 28,53 km đê cao trên 5m nhưng chưa có cơ đê. Nhiều đoạn đê đang có diễn biến sạt lở, như: đê tả Sông Hoạt, đoạn qua thị xã Bỉm Sơn và huyện Hà Trung; đê tả Sông Càn đoạn qua huyện Nga Sơn; đê tả Sông Yên đoạn qua huyện Nông Cống...

Đẩy nhanh tiến độ các công trình đê điều trước mùa mưa bão

Theo ghi nhận của phóng viên từ công trường thực hiện dự án Kè chống sạt lở bờ tả, hữu sông Chu khu vực cầu Vạn Hà (Thiệu Hóa) và đê tả sông Lèn (Hà Trung), các đơn vị nhà thầu thi công đang tập trung cao độ phương tiện, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công. Hiện các đơn vị thi công cơ bản xây dựng các tuyến kè bảo vệ bờ sông, mái đê sát sông trên tuyến đê tả sông Chu thuộc địa bàn xã Thiệu Phúc, thị trấn Thiệu Hóa (đoạn từ K30+100 đến K31+100, đoạn từ K31+500 đến K33+750) và trên tuyến đê hữu sông Chu thuộc địa bàn xã Thiệu Vận và các thị trấn Hậu Hiền, thị trấn Thiệu Hóa (đoạn từ K39 đến K41+300, đoạn từ K42+870 đến K43+500) với chiều dài hơn 6,1km. Tại huyện Hà Trung, các đơn vị thi công đã xây dựng cơ bản hoàn thành các tuyến kè bảo vệ bờ, mái đê sát sông trên tuyến đê tả sông Lèn thuộc địa bàn xã Hà Sơn với chiều dài hơn 1,6km.

anh-10(1).jpg
Công trình kè chống sạt lở bờ tả, hữu sông Chu khu vực cầu Vạn Hà (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đang được các đơn vị thi công gấp rút hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2024

Trên công trường dự án tu bổ, nâng cấp đê, kè biển phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn), các đơn vị thi công cũng đang tập trung nhân lực, máy móc thực hiện các hạng mục, như: đê biển; tuyến đê cửa sông; kênh tiêu tại chân đê phía đồng; đường thi công kết hợp quản lý vận hành, cứu hộ cứu nạn... Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa, cho biết: Dự án được ký hợp đồng thi công xây dựng ngày 27/12/2023, nhà thầu thực hiện là Công ty TNHH Hùng Dũng với giá trị hợp đồng là 14,650 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 12 tháng. Đến ngày 20/5, giá trị khối lượng thực hiện dự án ước đạt 8,4/14,65 tỷ đồng, đạt 57,33%. Khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tạo tuyến đường kiểm tra, cứu hộ, phục vụ công tác phòng, chống lụt bão và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra. Đồng thời, kết hợp là tuyến đường giao thông vành đai phục vụ an ninh quốc phòng, cải thiện cảnh quan môi trường, góp phần ổn định đời sống của người dân, đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế - xã hội trong vùng dự án.

anh-13.jpg
Công trình cải tạo đê sắp hoàn thành trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa

Được biết, để đảm bảo an toàn cho các tuyến đê trước mùa mưa bão 2024 về, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã phối hợp với các địa phương xây dựng 34 phương án bảo vệ trọng điểm đê năm 2024, gồm: 2 trọng điểm đê cấp tỉnh loại I; 32 trọng điểm đê cấp huyện. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến công trình, đặc biệt là các vị trí đang có diễn biến hư hỏng để sẵn sàng xử lý ngay từ giờ đầu. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình tu bổ, nâng cấp đê điều, đảm bảo chất lượng, tiến độ, kịp thời đưa công trình vào hoạt động phục vụ phòng, chống lũ lụt năm 2024…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Đảm bảo an toàn đê điều trước mùa mưa lũ