Thanh Hóa: Đánh thức tiềm năng du lịch tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Nguyễn Trường|01/09/2023 13:47
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên giờ đây không chỉ được biết đến là một trong những trung tâm đa dạng sinh học lớn nhất Việt Nam mà còn là điểm du lịch sinh thái đầy tiềm năng của tỉnh Thanh Hóa.

“Kho báu” của miền Tây xứ Thanh

Khu BTTN Xuân Liên nằm ở thượng nguồn sông Chu, thuộc địa giới hành chính của 5 xã Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Xuân Cẩm và Vạn Xuân, huyện Thường Xuân (Thanh Hoá). Xuân Liên được biết đến là một trong các trung tâm đa dạng sinh học lớn nhất của Việt Nam với 1.811 loài động vật và 1.228 loài thực vật bậc cao có mạch; nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới như Voọc xám, Vượn đen má trắng, Pơ mu, Sa mu,.. Khu bảo tồn có nhiều ngọn núi cao trên 1000 mét như: Pù Rinh, Pù Gió, Pù Ta Leo với đặc điểm quanh năm sương mù bao phủ và lạnh giá, rất hấp dẫn với giới du lịch mạo hiểm, những người ham muốn chinh phục và khám phá thiên nhiên.

anh-2.jpg

Cây Pơ mu 1000 năm tuổi tại Khu BTTN Xuân Liên

Ngoài giá trị từ tài nguyên rừng, tài nguyên mặt nước ở đây cũng có sức hấp dẫn du lịch rất lớn. Điển hình là hồ Cửa Đạt có diện tích mặt nước 2.828,6 ha, gắn với Công trình Thủy lợi - Thủy điện Cửa Đạt và là một trong những hồ nước lớn ở Việt Nam. Đồng thời, có nhiều cửa sông, suối đổ ra lòng hồ với nhiều thác nước tự nhiên đẹp.

anh-3.png
Hồ Cửa Đạt - điểm du lịch đầy tiềm năng của Khu BTTN Xuân Liên

Thêm một điểm nhấn tạo nên thế mạnh phát triển du lịch của Khu BTTN Xuân Liên, đó là yếu tố con người. Từ xưa, đồng bào dân tộc anh em sinh sống quanh khu bảo tồn chủ yếu là người Mường, Thái vẫn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, nếp sống, nếp sinh hoạt truyền thống độc đáo, tốt đẹp, rất đáng để tìm hiểu và trải nghiệm. 

anh-5.jpg
Lễ tục Xẳng Khản của đồng bào người dân tộc Thái

Cần một lộ trình phát triển bài bản!

Để tiềm năng, thế mạnh có thể “đẻ được trứng vàng”, năm 2012, Ban Quản lý (BQL) Khu BTTN Xuân Liên (chủ đầu tư) đã phối hợp với Công ty CP Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Hà Nội), tiến hành nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2020. Quy hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể là xác định được các tiền đề phát triển du lịch sinh thái của khu vực quy hoạch, bao gồm các điểm mạnh và sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch hiện có; dự báo thị trường và lượng khách du lịch; không gian phát triển du lịch; định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ các hoạt động du lịch và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, xây dựng được lộ trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các hạng mục ưu tiên đầu tư và các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch...

Gần đây, ngày 30/11/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ký QĐ số 5126/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phạm vi thực hiện đề án là toàn bộ diện tích 23.815,5 ha thuộc Khu BTTN Xuân Liên. Mục tiêu của đề án nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân địa phương và thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển Khu BTTN Xuân Liên. Qua đó, tạo điều kiện để nhân dân địa phương tham gia các loại hình du lịch, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tính đa dạng sinh học, hệ sinh thái cũng như bảo tồn các loài động thực vật quy hiếm trong khu vực. Xác định được hiện trạng tài nguyên thiên nhiên; danh lam thắng cảnh và các loại sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên.

Nhiệm vụ đặt ra đối với đề án là đến năm 2025, thu hút trên 45.000 lượt khách du lịch, trong đó có trên 5.000 lượt khách du lịch quốc tế; lượng khách lưu trú đạt khoảng 16.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 25.300 triệu đồng. Đến năm 2030, thu hút trên 110.000 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 10.000 lượt khách du lịch quốc tế; lượng khách ở lại lưu trú đạt trên 48.500 lượt; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt trên 83.250 triệu đồng.

anh-8.jpg
Khách du lịch du ngoạn ở hồ Cửa Đạt

Ông Phạm Anh Tám, Giám đốc BQL Khu BTTN Xuân Liên, chia sẻ: Du lịch Xuân Liên vẫn chưa khai phá hết được các tiềm năng, thế mạnh. Để làm được điều này rất cần sự gỡ khó từ quy định của pháp luật, đến việc tạo điều kiện về cơ chế, chính sách. Chẳng hạn như các vấn đề phát sinh trong quá trình làm du lịch: Thuê rừng đặc dụng, quản lý hồ nước, quản lý người xuất, nhập cảnh ở làng du lịch sát biên giới,… rất cần được nghiên cứu kỹ, đưa ra thảo luận và có phương án giải quyết khả dĩ nhất.

Với việc đặt phát triển du lịch của Khu BTTN Xuân Liên thành nhiệm vụ chính trị, tỉnh Thanh Hóa đã, đang kỳ vọng vào một bức tranh tươi sáng cho du lịch Xuân Liên nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Kế hoạch, mục tiêu đã có, phần còn lại cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và nhất là sự tham gia của nhà đầu tư mạnh tiềm lực, giàu kinh nghiệm và tâm huyết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Đánh thức tiềm năng du lịch tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên