Thanh Hóa siết chặt quản lý, hướng tới khai thác khoáng sản bền vững
Trước thực trạng khan hiếm vật liệu xây dựng và nhiều tồn tại trong khai thác khoáng sản, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai đánh giá toàn diện hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, hướng đến quản lý hiệu quả, minh bạch và phát triển bền vững.
Vật liệu xây dựng khan hiếm, giá tăng cao, ảnh hưởng tiến độ dự án
Tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là ảnh hưởng đến tiến độ các công trình trọng điểm và chất lượng đời sống người dân. Theo Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh, giá các loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát, đá, đất san lấp tăng mạnh từ đầu năm 2025, trong đó giá cát đã tăng khoảng 30% so với cuối năm 2024.

Việc thiếu nguồn cung gần công trình buộc nhiều đơn vị thi công phải vận chuyển vật liệu từ xa, khiến chi phí tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này tác động đến tiến độ các dự án lớn về hạ tầng kỹ thuật, phát triển khu công nghiệp, đô thị và đặc biệt là chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hơn 15.000 hộ dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế kiểm tra cho thấy, nhiều đơn vị khai thác khoáng sản có hành vi vi phạm như: khai thác vượt công suất, vượt mốc giới, không đúng thiết kế được phê duyệt; chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn lao động và nghĩa vụ tài chính. Tình trạng khai thác trái phép, nhất là đối với cát lòng sông và đất san lấp, diễn ra phức tạp ở nhiều nơi.
Một số doanh nghiệp còn kê khai sản lượng không trung thực, bán vật liệu không đúng giá niêm yết, gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng đến chất lượng và giá thành thi công các công trình.
Các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cho rằng cần cập nhật bảng giá vật liệu xây dựng sát thực tế hơn, tránh để chênh lệch giá ảnh hưởng đến dự toán công trình. Đồng thời, đề xuất thiết lập cơ chế phối hợp liên thông trong xử lý thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai và khai thác khoáng sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc phân bổ, cân đối trữ lượng khoáng sản từ các mỏ cấp phép cần được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt nhằm tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải mua vật liệu từ các mỏ không được cấp phép với giá cao, ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn công trình.
Rà soát toàn diện quy hoạch, siết chặt quản lý
Trước thực trạng nêu trên, tại Hội nghị đánh giá toàn diện hoạt động khoáng sản vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nhấn mạnh: Thanh Hóa sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; kiểm tra, đối chiếu thực tế để cập nhật chính xác số liệu và đề xuất danh mục khoáng sản đưa ra đấu giá, khai thác hợp pháp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, từ khai thác theo giấy phép, bảo vệ môi trường, kê khai giá bán minh bạch đến đảm bảo an toàn lao động. Đặc biệt, cần đáp ứng đủ khối lượng, tiến độ cung cấp vật liệu cho các công trình trọng điểm.
Tỉnh sẽ giao Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra toàn diện quy trình, thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác; đồng thời rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính, để sớm có nguồn vật liệu phục vụ phát triển hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm cấp tỉnh và quốc gia.
"Cần đánh giá chính xác nhu cầu sử dụng vật liệu giai đoạn 2025-2030, căn cứ công suất mỏ và quy hoạch khoáng sản để đề xuất danh mục khai thác phù hợp, đảm bảo nguồn cung ổn định, phát triển bền vững," ông Lê Đức Giang nhấn mạnh.