Bảo vệ môi trường

Thanh Hóa với cuộc chiến chống rác thải nhựa: Không biết mệt mỏi

Nguyễn Trường 26/08/2024 13:30

“Cuộc chiến” chống rác thải nhựa của tỉnh Thanh Hóa vẫn không ngừng nghỉ; dẫu biết đã đạt được một số thành quả nhất định, nhưng chặng đường để hiện thực hóa mục tiêu “một môi trường không rác thải nhựa” vẫn còn đó nhiều gian nan, trăn trở…

Vẫn còn nhiều gian nan

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Thanh Hóa, khối lượng rác thải nhựa phát sinh trên địa bàn tỉnh này khoảng 114.225 tấn/năm (tương đương 312,9 tấn/ngày). Dự kiến khối lượng chất thải nhựa phát sinh đến năm 2025 khoảng 125.648 tấn/năm, đến năm 2030 khoảng 151.000 tấn/năm. Khối rác thải nhựa được thu gom, tái chế khoảng 30.890 tấn/năm (chiếm 27%), xử lý bằng phương pháp đốt 26%, xử lý bằng phương pháp chôn lấp chiếm 65%, còn lại 9% chưa được thu gom, xử lý.

anh-6.jpg
Khối lượng rác thải nhựa phát sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn khá cao, chưa có dấu hiệu giảm

Báo cáo của Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa thể hiện, công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực như: Nhận thức của nhân dân về tác hại của rác thải nhựa được nâng lên; đã tổ chức được nhiều mô hình thu gom, phân loại giảm thiểu rác thải nhựa; một số chợ, khu thương mại, hộ kinh doanh đã sử dụng túi giấy, ống hút giấy thay cho túi nhựa, ống hút nhựa. Bên cạnh đó, hầu hết các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường thị trấn đã thực hiện sử dụng chai thủy tinh, cốc thủy tinh tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện và phòng làm việc thay thế cho các chai nước đóng sẵn.

Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải nhựa còn nhiều tồn tại, hạn chế, như việc phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa mới thực hiện được đối với các loại nhựa thải có giá trị tái chế cao như: vỏ chai nhựa đựng nước khoáng, dầu ăn, các chậu nhựa, xô nhựa hỏng..., các loại nhựa có giá trị tái chế thấp hoặc không tái chế được như túi ni lông, vỏ bánh kẹo, vỏ mì tôm, vỉ thuốc..., với khối lượng khoảng 83.336 tấn/năm, chiếm khoảng 9% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đang để lẫn và xử lý cùng rác thải sinh hoạt, bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt do không có đơn vị thu mua tái chế. Công tác quản lý chất thải nhựa còn mang tính phong trào, chưa đồng bộ; việc sử dụng túi ni lông khi đi mua hàng vẫn còn phổ biến…

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Để giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn, ngày 31/7/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã ký Văn bản số 11050/UBND-NN về việc “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở TNMT định hướng nội dung hoạt động cho các đơn vị trong chương trình phối hợp bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững, tuyên truyền mạnh mẽ các biện pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu rác thải nhựa. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp,…Triển khai các phong trào, mô hình giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại thu gom chất thải nhựa; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa.

Tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương triển khai các quy định về quản lý chất thải rắn (CTR); tham mưu, triển khai định mức kinh tế - kỹ thuật và ban hành giá dịch vụ công tác thu gom, phân loại, xử lý CTR sau khi các Bộ, ngành ban hành đầy đủ hướng dẫn; phối hợp kêu gọi đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý CTR theo quy hoạch; thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư hoàn thành dự án nhà máy xử lý rác thải, thực hiện thu gom, xử lý riêng rác thải đã phân loại.

Kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, đúng quy định các hành vi vi phạm pháp luật về công tác quản lý rác thải nói chung và quản lý, xử lý rác thải nhựa nói riêng; quản lý các hoạt động phát thải, thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải, chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.

anh-8.jpg
"Cuộc chiến" chống rác thải nhựa của tỉnh Thanh Hóa đang được lan tỏa ra toàn dân

Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường nói chung, về chất thải nhựa nói riêng trong các cơ sở giáo dục; phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu chất thải nhựa; đưa nội dung giảm thiểu sử dụng đồ nhựa 1 lần và phân loại chất thải vào chương trình dạy học; xây dựng mô hình trường học “nói không” với túi nilông và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đối với chất thải y tế không nguy hại, phải chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp tục thực hiện tốt công tác phân loại triệt để chất thải nhựa không nguy hại trong y tế để chuyển giao cho cơ sở tái chế, giảm thiểu chất thải...

Cần nhiều hơn nữa những mô hình hay từ cơ sở

Đã thành thói quen, cứ ngày 28 hằng tháng, các hội viên Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) lại mang rác thải có thể tái chế thu gom từ gia đình ra nhà văn hóa tổ dân phố để tập trung phân loại và bán cho đơn vị thu mua. Chị Mỹ Hương, tổ dân phố Quang Giáp, phường Trung Sơn cho biết: "Các gia đình đã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn từ trước, nên khi triển khai mô hình khá thuận lợi. Đối với rác vô cơ không tái chế được thì để vào đúng nơi quy định để đội thu gom rác của xã đưa ra lò đốt; rác hữu cơ được xử lý ngay tại hộ gia đình bằng mô hình có nắp đậy; rác vô cơ tái chế (vỏ lon, chai nhựa, giấy, bìa các loại...) chị em sẽ tự thu gom, bán lấy tiền gây quỹ; mọi việc đều có sự giám sát của trưởng khu phố".

Được biết, mô hình “Biến rác thải nhựa thành tiền” được Hội LHPN phường Trung Sơn phát động với mục đích tuyên truyền, vận động để hội viên phụ nữ chủ động phân loại rác thải hằng ngày, hằng tuần và hằng tháng; thu gom các loại rác thải có thể tái chế được, bán lấy tiền gây quỹ để trao tặng những phần quà yêu thương cho phụ nữ và trẻ em nghèo. Đến nay, mô hình đã được triển khai đồng loạt ở 10 chi hội tổ dân phố; chị em rất hào hứng tham gia, mô hình đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, bình quân mỗi chi hội thu được 200.000 đồng/tháng; nguồn quỹ xây dựng được trên 8 triệu đồng.

Tương tự như Hội LHPN phường Trung Sơn, nhận thức được những thiếc thực từ mô hình “Biến rác thải nhựa thành tiền” mang lại, từ đầu năm 2024, chi hội phụ nữ Tổ dân phố Tài Lộc, phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) cũng tích cực tham gia với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa; việc thu gom, phân loại rác thải nhựa dần trở thành thói quen của mỗi hỗi viên. Sau hơn 7 tháng triển khai, cán bộ, hội viên phụ nữ tổ dân phố Tài Lộc đã đặt 3 khung sắt đựng rác thải tái chế tại khu vực nhà văn hóa, khu du lịch Vinh Sơn; đã tiến hành mở thùng, bán phế liệu 7 đợt, tổng số tiền thu được trên 1,5 triệu đồng.

anh-11.jpg
Mô hình "biến rác thải thành tiền" gây quỹ "triệu quần quà san sẻ yêu thương" của Chi hội phụ nữ phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa)

Qua tìm hiểu của phóng viên, nhằm thay đổi nhận thức của cán bộ, hội viên và nhân dân trong việc tự giác phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình, từ tháng 10/2023, Hội LHPN TP Sầm Sơn đã chỉ đạo các cơ sở hội thành lập mô hình “Biến rác thải nhựa thành tiền” phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Hội cũng đã đưa các chỉ tiêu của mô hình là một trong những nội dung đánh giá xếp loại thi đua hằng năm. Đồng thời, hướng dẫn cho hội viên, phụ nữ tại các hội cơ sở phân loại và thu gom rác thải. Căn cứ trên số lượng rác thu gom được, các chi hội sẽ chọn thời điểm xuất bán, tạo nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động an sinh xã hội. Đến nay, toàn thành phố đã thành lập được 40 mô hình tại 8 phường với tổng số quỹ xây dựng được trên 65 triệu đồng. Từ số tiền thu được, các cấp hội có thêm nguồn kinh phí để triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, nhân văn như: thăm, tặng quà cho hội viên phụ nữ nghèo, các đối tượng yếu thế; trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi; hỗ trợ cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn...

anh-7.jpg
Các mô hình thu gom, phân loại rác thải nhựa từ cơ sở tại Thanh Hóa, không chỉ lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường, mà còn mang đến nhiều chương trình thiện nguyện thiết thực, ý nghĩa.

Được biết, thời gian qua, nhiều mô hình thu gom, xử lý rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã phát huy được hiệu quả, giúp giảm thiểu rác thải nhựa, tạo nên được hiệu ứng tích cực về ý thức bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân: Dự án thu gom, xử lý, tái chế rác thải nhựa đại dương tại Thanh Hóa; Mô hình thu gom phế liệu và rác thải nhựa; Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, hạt giống rau các loại; Mô hình “từ thu gom phế liệu đến triệu phần quà”; Ngôi nhà xanh;…

Thời gian tới, hi vọng sẽ có nhiều hơn nữa những mô hình hay, cách làm khéo từ cơ sở, để tinh thần, trách nhiệm bảo vệ môi trường sẽ không ngừng lan tỏa; ngoài các quy định, chính sách từ phía các cơ quan chức năng, thiết nghĩ, đây vẫn là một hướng đi thiết thực, ý nghĩa trong “cuộc chiến” với rác thải nhựa, nếu biết vận dụng sáng tạo, linh hoạt và khơi dậy được tinh thần đoàn kết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa với cuộc chiến chống rác thải nhựa: Không biết mệt mỏi
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.