Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa ký quyết định ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội Xuân 2025.
Theo Ban Chỉ đạo, Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm tăng cao, đặc biệt là thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát và các loại hạt.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm gia tăng hoạt động, song đây cũng là thời điểm tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng và an toàn thực phẩm do ảnh hưởng của thời tiết (ẩm ướt ở Bắc và nắng nóng ở Nam).
Kế hoạch triển khai nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo sự phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồng thời kiểm soát ngăn ngừa sản phẩm giả, kém chất lượng và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân 2025.
Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành và tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố trọng điểm: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, TP.HCM và Đồng Nai.
Các đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào các sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội, đặc biệt là những nhóm thực phẩm có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, cũng như các tỉnh có cửa khẩu và thành phố lớn.
Ngoài các đoàn kiểm tra liên ngành ở cấp Trung ương, tại các địa phương cũng sẽ thành lập các đoàn thanh, kiểm tra từ cấp tỉnh đến cấp xã để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Một phần quan trọng trong kế hoạch là huy động tối đa các kênh truyền thông để phổ biến các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như kiến thức trong việc lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm.
Các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương sẽ tham gia truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm cho cả người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2025.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Đồng thời, người tiêu dùng sẽ được hướng dẫn cách chọn mua thực phẩm an toàn, cách chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh mua thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.
Đặc biệt, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sẽ được tuyên truyền về việc sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và các quy định về sản xuất, kinh doanh rượu theo Nghị định số 105/2017/NĐ-CP và các văn bản liên quan.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia phòng ngừa và đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, đồng thời kêu gọi cộng đồng phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.
Theo yêu cầu của Ban chỉ đạo, các cơ quan liên quan cần khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, thay đổi thói quen tiêu dùng không hợp vệ sinh, góp phần bảo vệ.
Kế hoạch triển khai này sẽ được thực hiện từ 20/12/2024 đến 25/3/2025 trên toàn quốc. Các hoạt động kiểm tra và giám sát sẽ được thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2025, bảo vệ sức khỏe của người dân, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao.