Hiện nay, Thủ đô mỗi ngày phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, thuộc top đầu cả nước. Từ năm 2006, một số phường ở Hà Nội đã thí điểm phân loại rác nhưng khó duy trì do thiếu đồng bộ về mặt hạ tầng thu gom và các quy định của pháp luật. Trong khi đó, một số người dân cho biết, họ vô cùng hưởng ứng đối với việc phân loại rác thải tại nguồn, đặc biệt đối với rác thải rắn và cồng kềnh.
5 quận nội thành đi đầu trong công tác thí điểm bao gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm. Trong đó, mỗi quận có ít nhất một phường triển khai điểm thu gom rác thải cồng kềnh.
Cụ thể, quận Hai Bà Trưng thí điểm tại phường Phạm Đình Hổ; quận Ba Đình thí điểm tại phường Nguyễn Trung Trực; quận Nam Từ Liêm thí điểm tại phường Phú Đô, Cầu Diễn và quận Đống Đa áp dụng tại phường Nam Đồng. Riêng quận Hoàn Kiếm, do đã có nền tảng từ trước nên sẽ thí điểm ở tất cả 18 phường trực thuộc.
Bà Huỳnh Thị Kim Hoa – người dân sinh sống tại phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: “Trước đây, rác cồng kềnh thì bên môi trường người ta không thu cho. Thông thường, mình sẽ phải thuê chính môi trường xử lý, hoặc thuê người khác thì lại phát sinh trường hợp vứt bậy bạ, nên mình bị vạ lây. Còn bây giờ có điểm thu gom như này thì người dân rất hoan nghênh.”
Theo kế hoạch, tại phường Nguyễn Trung Trực, người dân sẽ tập kết chất thải cồng kềnh từ 16h30 thứ sáu đến hết 16h30 ngày chủ nhật. Ngoài thời gian này, nếu người dân muốn tập kết chất thải cồng kềnh sẽ phải liên hệ với số hotline của Công ty Môi trường Đô thị chi nhánh quận Ba Đình để có phương án tiếp nhận, xử lý rác thải.
Bà Trần Thị Kim Dung – người dân phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: “Theo tôi thì nên mở rộng số ngày mở cửa ra cho nhân dân bỏ rác, nếu chỉ mỗi thứ sáu đến chủ nhật thì hơi ít, gọi điện thoại thì nếu trong ca trực người ta sẽ làm, không thì lại phải chờ.”
Hay tại điểm tập kết chất thải cồng kềnh của phường Thành Công cũng được khóa trái cửa, nhưng bên ngoài lại không có số liên hệ nào. Vì vậy, chất thải cồng kềnh đã bị vứt tràn ra vỉa hè, trở thành điểm gây ô nhiễm. Ngoài ra, có phường đã bố trí điểm tập kết rác, tuy nhiên các điểm tập kết nằm xen trong khu dân cư, gây mất mỹ quan đô thị.
Trao đổi với phóng viên Moitruong.net.vn, bà Hứa Thị Minh Hồng – Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Để tìm và quy hoạch được một điểm chứa rác thải cồng kềnh, chúng tôi đã phải rà soát cả phường và hiện nay chúng tôi đã tìm ra được một điểm tạm thời là điểm thu gom rác thải cồng kềnh đặt tại vỉa hè bên cửa hông của trường THCS Nguyễn Công Trứ. Điểm này cũng có sự bất cập đối với dân sinh.”
Ông Bùi Ngọc Tú – Phó Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ - Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết: “Để đảm bảo được vệ sinh môi trường nói chung cũng như là công tác thu gom, xử lý chất thải cồng kềnh thì bố trí được một điểm để người dân thải bỏ rác thải cồng kềnh là yêu cầu đầu tiên và cũng cấp thiết nhất mặc dù còn nhiều khó khăn.”
Là đô thị có lượng rác thải sinh hoạt lớn, rác cồng kềnh chiếm tỷ lệ cao hơn so với nhiều địa phương, tuy nhiên đến nay, Hà Nội vẫn chưa ban hành quy trình, định mức và đơn giá áp dụng đối với chất thải rắn cồng kềnh nên các đơn vị vệ sinh môi trường trên địa bàn rất vất vả trong việc thu gom, vận chuyển đi xử lý vì không được thanh toán chi phí vận chuyển.
Khi chưa có điểm thu gom rác thải cồng kềnh, loại rác thải này thường được nhiều gia đình bỏ lại trên vệ đường, vỉa hè hoặc trước các cửa hàng kinh doanh chờ xe rác đi qua vận chuyển. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của các hộ dân tại mặt đường mà còn gây mất mỹ quan đô thị.
Theo hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác tại nguồn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác cồng kềnh cũng là một trong những loại rác bắt buộc phải được phân loại từ ngày 1/1/2025. Vì vậy, việc thí điểm mô hình thu gom, xử lý rác thải cồng kềnh là bước đệm để có những phương án hoàn chỉnh, đồng bộ hơn trong công tác xử lý loại chất thải này.