Thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững

Trương Anh Sáng|12/12/2017 22:22
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng (NBD) đã và đang tác động nhiều mặt đến tự nhiên, sự phát triển kinh tế của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nếu không có giải pháp kịp thời sẽ dẫn đến ngành nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người giảm, tỷ lệ hộ nghèo, thiếu lương thực sẽ xảy ra thường xuyên, kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội.

(Moitruong.net.vn) – 

>>>Kiên Giang: Đẩy mạnh giáo dục môi trường trong trường học

Các đại biểu tham dự hội thảo Thích ứng với BĐKH để phát triển bền vững

BĐKH làm thay đổi số lượng, chất lượng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, thay đổi cấu trúc mùa, quy hoạch vùng, sâu bệnh phát triển, suy thoái tài nguyên đất, mưa lũ bất thường, nước mặn lấn sâu vào đất liền, nước biển dâng sẽ phân hóa mức sống dân cư, làm chậm quá trình xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, cơ sở vật chất bị hủy hoại ….gây khó khăn, thiệt hại lớn và làm thay đổi đời sống sinh hoạt của người dân vùng ven biển ĐBSCL. Khi NBD 65cm thì diện tích tự nhiên sẽ bị ngập 5.133km2; dâng 75cm thì diện tích bị ngập lên đến 7.580km2 và nếu NBD 100cm so với địa hình thì phần lớn diện tích đất liền sẽ bị chìm trong nước biển.

Nguyên nhân của sự BĐKH là do sự công nghiệp hóa, đô thị hóa ồ ạt quá mức đã tạo ra khí nhà kính làm thay đổi bầu khí quyển. Rõ ràng, sự tăng trưởng, phát triển của xã hội tỉ lệ thuận với những BĐKH đã gây tác hại tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, thu hẹp diện tích đất canh tác nông nghiệp, đất ở của người dân đang sinh sống ở những nơi chịu ảnh hưởng cao của BĐKH. Việc tìm những giải pháp khoa học ứng phó với sự BĐKH trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng không thuận lợi đến đời sống con người bởi đối tượng dễ bị tổn thương nhất là ngành nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người giảm, tỷ lệ hộ nghèo, đói kém, thiếu lương thực sẽ xảy ra thường xuyên, kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội.

Ứng phó với BĐKH tùy điều kiện, tình hình và đặc điểm thực tế ở địa phương mình mà mỗi tỉnh xây dựng cho mình kế hoạch thích hợp nhằm đem lại hiệu quả cao nhất như đưa các chương trình nghiên cứu KH&CN thích ứng BĐKH phục vụ phát triển kinh tế xã hội định hướng đến năm 2020 với việc củng cố, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đê bao, thay đổi giống cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản ven biển dưới tán rừng theo hướng sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học các vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng ngập mặn, phát triển du lịch sinh thái, xây dựng các mô hình sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm, thay thế nguồn năng lượng truyền thống như đun củi, than, trồng rừng phòng hộ ven biển, khoán rừng cho nông dân, mô hình tôm – rừng và phát triển các giống lúa chịu mặn, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng về BĐKH.

BĐKH gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân tỉnh Kiên Giang 

Bên cạnh đó, việc xây dựng chiến lược quy hoạch và phát triển vùng/ngành thích ứng với BĐKH là hết sức cần thiết nhằm định hướng lộ trình phát triển bền vững như xây dựng luận cứ khoa học cho việc quản lý tổng hợp, quy hoạch, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quan trọng; nghiên cứu nguyên nhân và cảnh báo một số dạng thiên tai; xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, xây dựng  mô hình phát triển bền vững nông nghiệp – nông dân – nông thôn cho vùng Tây Nam Bộ; nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm sản, phát triển các sản phẩm sinh học, năng lượng gió…

Khi các vùng có nguy cơ chịu tác động cao của BĐKH được quy hoạch một cách tổng thể, mỗi địa phương đã ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ ứng phó với BĐKH. Ở Kiên Giang đã lập hàng rào chắn sóng, phá sóng, hàng rào giữ bùn và phục hồi rừng ngập mặn bằng cừ tràm ở các vùng ven biển thuộc các huyện Hòn Đất, An Minh, An Biên, Kiên Hải… đã làm giảm 50-67% năng lượng sóng biển, hạn chế xói lở bờ, giữ ổn định bùn loãng, tạo điều kiện cho cây ngập mặn phát triển, nâng độ che phủ của rừng; xử lý chất thải rắn nông thôn, nước thải nuôi trồng thủy sản, ứng dụng các nguồn năng lượng sạch và sản xuất an toàn và đặc biệt là đào tạo nghề thích ứng với BĐKH.

Theo Bà Huỳnh Hồng Mai, trường cao đẳng nghề Kiên Giang thì việc đưa nội dung môi trường và BĐKH vào môn học là cần thiết, hướng dẫn người học, đặc biệt là nông dân thực hành những khảo nghiệm khác nhau nhằm bồi dưỡng kĩ năng trong sản xuất, lựa chọn giống cây, con sao cho phù hợp với điều kiện khí hậu vừa để bảo vệ môi trường vừa nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong mỗi lĩnh vực cần xây dựng các giải pháp phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, hóa sinh nhằm sử dụng các chất có hoạt tính sinh học từ các loài động, thực vật ngập mặn; phát triển mô hình công nghệ xử lý nước nhiễm mặn thành nước ngọt, sản xuất những vật liệu mới thích nghi với môi trường ngập mặn. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống là hết sức thiết thực phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay nhằm thích ứng với điều kiện BĐKH, phát triển bền vững.

Trương Anh Sáng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững