Thiệt hại từ bão số 3, Thái Bình cần 1.780 tỷ đồng để khắc phục hệ thống đê điều

Hoàng Thơ |04/10/2024 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ảnh hưởng của bão số 3, Thái Bình đề xuất 31 công trình đê điều thuộc 8 huyện, thành phố cần cải tạo, nâng cấp với kinh phí dự kiến là 1.780 tỷ đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình vừa gửi báo cáo đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc rà soát, đánh giá các sự cố, hư hỏng về hệ thống đê điều do bão số 3, mưa lũ gây ra và nhu cầu kinh phí khắc phục, sửa chữa để bảo đảm an toàn.

de-boi.jpg
Thái Bình đề xuất 31 công trình đê điều thuộc 8 huyện, thành phố cần cải tạo, nâng cấp

Theo danh mục đi kèm báo cáo, có tổng cộng 31 công trình đê điều thuộc 8 huyện, thành phố trên địa bàn được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đề xuất cải tạo, nâng cấp do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Các công trình đê điều này nằm trên tuyến sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa, sông Trà Lý và ở một số tuyến kênh nội đồng. Về thực trạng chung, đây đều là những công trình có diễn biến sạt lở gây nguy cơ mất an toàn đê điều hoặc là những công trình xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp.

nuoc-cao.jpg
Ảnh hưởng của bão số 3, nhiều khu vực ở Thái Bình, nước đã gần bằng với bề mặt đê. (Ảnh: Thành Trung)

Theo khảo sát của địa phương, công trình có nhu cầu kinh phí nhiều nhất khoảng 250 tỷ đồng là khắc phục sạt lở một số tuyến kênh nội đồng gồm kênh Kiến Giang và kênh Tiên Hưng thuộc địa bàn 8 huyện, thành phố.

Tiếp đó, là công trình hoàn thiện mặt cắt đê, làm đường hành lang chân đê dài 10km trên đê cửa sông tả Trà Lý thuộc huyện Thái Thụy, tổng vốn 110 tỷ đồng; công trình hoàn thiện mặt cắt đê, làm đường hành lang chân đê dài 12km trên đê cửa sông hữu Trà Lý thuộc huyện Kiến Xương và Tiền Hải, tổng vốn 100 tỷ đồng…

nuoc-cap.jpg
Hiện nay, hệ thống đê điều tại Thái Bình chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống lũ, bão nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho hay, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra đợt lũ lớn trên hệ thống các sông tỉnh Thái Bình. Lũ đều vượt mức báo động cấp 3, đáng chú ý lũ trên sông Trà Lý vượt mức lũ lịch sử năm 1971.

Đến nay, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, hệ thống đê điều của tỉnh Thái Bình đã ghi nhận 51 sự cố, uy hiếp đến an toàn đê điều. Đặc biệt, các cống đã xuất hiện sự cố và phải xử lý theo phương châm “4 tại chỗ” như: Cống trạm bơm tiêu đê tả Hồng Hà 2 xã Vũ Tiến bị lỗ rò; Trạm bơm Sa Lung và cống trạm bơm Bồ Xuyên nước tràn qua phai cống…

Riêng tại huyện Vũ Thư, từ ngày 12-14/9/2024, nhiều vị trí trên các tuyến đê đã xảy ra thẩm lậu nước trong, tổng chiều dài thẩm lậu trên tuyến đê tả Hồng Hà 2 khoảng 12km; tuyến đê hữu Trà Lý khoảng 11km.

dap.jpg
Người dân Thái Bình tham gia đắp đê chống lũ trong bão số 3

Theo đánh giá của tỉnh Thái Bình, hiện nay hệ thống đê điều chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống lũ, bão nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do đó, địa phương đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành trung ương quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Thái Bình khắc phục, sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê điều với kinh phí dự kiến 1.780 tỷ đồng.

Hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bão lụt, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân cũng như những thành quả phát triển kinh tế xã hội đạt được, đồng thời là những tuyến đường giao thông quan trọng kết nối giao thương giữa các vùng miền. Phát triển và đảm bảo an toàn hệ thống đê điều là điều kiện giúp phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững.

Các vụ sạt lở đê điều, hư hại công trình thủy lợi trong thời gian vừa qua không chỉ gây ra những thiệt hại về người và kinh tế mà còn có tác động rất lớn tới vấn đề môi trường khi có thể gây ra các vấn đề về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước… Tất cả điều này đe dọa đến cuộc sống của người dân và giảm thiểu nguồn sinh, thực vật xung quanh.

Bài liên quan
  • Các biện pháp phòng chống lũ quét, sạt lở đất sau bão
    Sau khi cơn bão số 3 (Yagi) đi qua, tình hình thiên tai tại các vùng cao trở nên đặc biệt nghiêm trọng với nguy cơ sạt lở đất và lũ quét. Vì vậy, việc dự báo và thực hiện các biện pháp phòng chống lũ ống, lũ quét càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thiệt hại từ bão số 3, Thái Bình cần 1.780 tỷ đồng để khắc phục hệ thống đê điều