Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.
Công điện nêu rõ: bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Những tháng qua, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương, có địa phương đã công bố dịch sởi.
Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, các chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi và công tác giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người bệnh; chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế tổ chức thu dung, điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh sởi.
Thủ tướng yêu cầu: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi theo hướng dẫn của ngành y tế; thực hiện việc theo dõi sức khỏe của trẻ em, học sinh và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Cùng với đó, Thủ tướng chỉ dạo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát; thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh.
Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận, chia sẻ, cập nhật tình hình dịch bệnh và thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát dịch sởi; khẩn trương tổ chức tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh sởi thấp; không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi.
Tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; bảo đảm hậu cần, thuốc, thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh sởi; đảm bảo vắc xin khi công bố dịch sởi; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thủ tướng cũng lưu ý, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh sởi; thông tin thường xuyên, đầy đủ, chính xác về tình hình dịch bệnh; ngăn chặn, xử lý thông tin không đúng về dịch sởi.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện Công điện này. Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Bộ Y tế theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan và địa phương trong việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Dịch bệnh không chỉ là mối đe dọa đối với sự sống của con người mà còn tác động tiêu cực đến môi trường. Dưới đây là những tác động chính:
1. Tăng chất thải độc hại
Đối mặt với dịch bệnh, việc gia tăng sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân, việc vứt bỏ chúng bừa bãi và một lượng lớn chất thải bệnh viện là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường.
2. Gia tăng chất thải nhựa
Cùng với chất thải y tế, dịch bệnh còn thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến và giao hàng tận nhà, điều này cuối cùng làm tăng lượng chất thải nhựa từ các vật liệu đóng gói để vận chuyển.
3. Ô nhiễm đất, nước, khí hậu
Dịch bệnh không chỉ đe dọa sự sống con người mà còn tăng chất thải đô thị đồng thời gây gián đoạn trong công tác xử lý. Việc gián đoạn các hoạt động quản lý rác thải đô thị thông thường cũng như các hoạt động thu hồi và tái chế chất thải làm gia tăng việc chôn lấp và các chất ô nhiễm môi trường trên toàn thế giới gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và đất đai.