899.000 liều vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ đã được phân bổ cho 9 quốc gia châu Phi

Hoàng Thơ |07/11/2024 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước tình trạng khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ tại nhiều nước Châu Phi, WHO đã thiết lập một chương trình nhằm hỗ trợ cung cấp vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị loại bệnh này.

Theo số liệu mới nhất của WHO, trong năm nay, đã có hơn 46.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận hoặc nghi ngờ ở châu Phi và hơn 1.000 ca tử vong do căn bệnh do virus này.

Trước tình hình trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức y tế khác hôm qua (6/11) cho biết, 899.000 liều vaccine đợt đầu phòng bệnh đậu mùa khỉ đã được phân bổ cho 9 quốc gia châu Phi đang bị ảnh hưởng nặng nề do căn bệnh này gây ra.

WHO cho biết, số vaccine mới được phân bổ sẽ được chuyển đến Cộng hòa Trung Phi, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Liberia, Nigeria, Rwanda, Nam Phi và Uganda.

benh.jpg
899.000 liều vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ đã được phân bổ cho 9 quốc gia châu Phi

Vào giữa tháng 8 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, sau khi một chủng virus mới bắt đầu lây lan từ Cộng hòa Dân chủ Congo sang các nước láng giềng.

Vào tháng 9, sau khi đối mặt với những lời chỉ trích về việc hành động quá chậm đối với vaccine, WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ của Bavarian Nordic và cho biết họ đang xem xét loại LC16, do KM Biologics của Nhật Bản sản xuất như một lựa chọn vaccine tiềm năng.

WHO cũng thiết lập một chương trình nhằm hỗ trợ cung cấp vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị bệnh đậu mùa khỉ cho những người dễ bị tổn thương nhất ở các nước nghèo nhất thế giới, tương tự như những nỗ lực trong đại dịch Covid-19.

WHO cho biết số lượng vaccine lớn nhất, 85% số vaccine được phân bổ, sẽ được chuyển đến Cộng hòa Dân chủ Congo - nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Vaccine đậu mùa khỉ được phân bổ đến từ các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Canada và GAVI, một liên minh công tư đồng tài trợ mua vaccine cho các nước thu nhập thấp.

Dịch bệnh không chỉ là mối đe dọa đối với sự sống của con người mà còn tác động tiêu cực đến môi trường. Dưới đây là những tác động chính:

1. Tăng chất thải độc hại

Đối mặt với dịch bệnh, việc gia tăng sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân, việc vứt bỏ chúng bừa bãi và một lượng lớn chất thải bệnh viện là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường.

2. Gia tăng chất thải nhựa

Cùng với chất thải y tế, dịch bệnh còn thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến và giao hàng tận nhà, điều này cuối cùng làm tăng lượng chất thải nhựa từ các vật liệu đóng gói để vận chuyển.

3. Ô nhiễm đất, nước, khí hậu

Dịch bệnh không chỉ đe dọa sự sống con người mà còn tăng chất thải đô thị đồng thời gây gián đoạn trong công tác xử lý. Việc gián đoạn các hoạt động quản lý rác thải đô thị thông thường cũng như các hoạt động thu hồi và tái chế chất thải làm gia tăng việc chôn lấp và các chất ô nhiễm môi trường trên toàn thế giới gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và đất đai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
899.000 liều vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ đã được phân bổ cho 9 quốc gia châu Phi
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.