Theo chỉ thị, những năm qua, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp được tổ chức ngày càng nghiêm túc, khách quan, trung thực, an toàn, cơ bản đáp ứng mục tiêu đặt ra trong đánh giá kết quả giáo dục, năng lực học sinh và yêu cầu tuyển sinh.
Tuy nhiên, công tác tổ chức kỳ thi và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số địa phương, đơn vị chưa thật chủ động, quyết liệt, phối hợp thiếu nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả; công tác truyền thông còn hạn chế; tình trạng sử dụng công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi ngày càng tinh vi, phức tạp.
Để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT và các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức kỳ thi và tuyển sinh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo thực hiện kỳ thi an toàn, chính xác, đúng quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi và tuyển sinh. Đặc biệt, phối hợp với Bộ Công an, các địa phương để có giải pháp phòng chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao vào việc gian lận trong kỳ thi.
Chỉ thị của Thủ tướng lưu ý các bộ ngành phối hợp với địa phương chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi. Trong đó quan tâm đến các phương án phòng chống dịch bệnh, đối phó với thời tiết khắc nghiệt, bất thường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các địa phương phải có phương án tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và người thân trong việc đi lại, ăn, nghỉ ở các điểm thi. Quan tâm hơn đến thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và biên giới, hải đảo.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào các ngày từ 27-6 đến 30-6. Trong đó. Ngày 27-6 thí sinh tập trung làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi. Hai ngày thi chính thức là 28-6 và 29-6. Ngày 30-6 là lịch thi dự phòng.
Kỳ thi cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Mỗi thí sinh là học sinh lớp 12 THPT dự thi bốn trong số năm bài thi để xét tốt nghiệp THPT, gồm các bài toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.
Thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên dự thi để xét tốt nghiệp với ba bài thi bắt buộc gồm toán, ngữ văn và một trong hai bài thi tổ hợp.
Thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên muốn dự thi lấy kết quả tuyển sinh có thể đăng ký thi ngoại ngữ, nhưng không bắt buộc.
Các thí sinh đã tốt nghiệp THPT có thể dự thi các môn thi độc lập và môn thành phần trong bài thi tổ hợp để sử dụng kết quả tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì ở tất cả các khâu. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ra đề thi và thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi này.