Thừa Thiên – Huế: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững

Minh Anh (t/h)|19/12/2019 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tỉnh TT – Huế đang hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững – an toàn – ứng dụng công nghệ cao để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã giới thiệu những tiềm năng, lợi thế cùng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhằm phát huy dư địa và văn hóa của vùng đất Cố đô để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp; nhất là tạo ra các sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ khuyến khích, ưu đãi chính sách đầu tư vào các dự án như: Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng công nghệ cao; đầu tư hình thành vùng sản xuất lúa, rau hữu cơ quy mô lớn, liên kết bao tiêu và chế biến sản phẩm chất lượng cao; khuyến khích người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp trong các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Tỉnh cũng sẽ tập trung vào các dự án phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên các dự án liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm theo công nghệ mới và các dự án nghiên cứu lai tạo, cung ứng giống vật nuôi chất lượng cao. Thực hiện các dự án nuôi tôm trên cát áp dụng biện pháp quản lý tiên tiến (GAP, BMP, CoC, …) và dự án phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC, hình thành vùng nguyên liệu dược quy mô lớn phục vụ công nghiệp chế biến dược liệu gắn với ngành y học cổ truyền…

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, TT – Huế hiện có 69.835 ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 13,9% đất toàn tỉnh); 334.707 ha rừng và đất lâm nghiệp (chiếm 66,6% đất toàn tỉnh); đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trải dài 68 km với diện tích 22.000 ha và thuộc loại lớn nhất khu vực Đông Nam Á; có bờ biển dài, hệ thống đầm phá và sông ngòi được phân bố trải đều trên toàn tỉnh; nguồn lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dồi dào với 167.255 người, chiếm 27,6% (trong tổng số 607.029 người từ 15 tuổi trở lên) và tỷ lệ qua đào tạo ở khu vực nông lâm ngư nghiệp ước đạt 77 % trong năm 2020… là điều kiện hết sức thuận lợi để tỉnh TT – Huế phát triển về nông – lâm – thủy sản và các dịch vụ nông nghiệp. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân giai đoạn 2008 – 2018 đạt trên 3,5%/năm (kế hoạch đến năm 2020 đạt 3 – 4%); Sản lượng lương thực có hạt đạt 34,1 vạn tấn (chỉ tiêu 31 – 32 vạn tấn), sản lượng thóc đạt 33,4 vạn tấn (chỉ tiêu 32 vạn tấn); Sản lượng thủy sản đạt 55.230 tấn; Diện tích trồng rừng hàng năm đạt 5.670 ha (mục tiêu đề ra 4.000 – 4.500 ha), độ che phủ rừng đạt 57,34%.

Tổng sản phẩm (GRDP) toàn tỉnh năm 2018 tăng 6,61%, trong đó ngành nông nghiệp tăng 3,46% (kế hoạch năm 2018 tăng 2,23%); giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản và dịch vụ nông nghiệp đạt 7.234 tỷ đồng, chiếm 11,6% trong tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh tăng 4,4% (vượt kế hoạch 0,8%). Kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản đạt 140,25 triệu USD tăng 2,6%.

Thống kê năm 2018 tại tỉnh TT – Huế, trong trồng trọt nổi bật nhất là trồng lúa có diện tích là 54.731 ha với năng suất 61,1 tạ/ha đạt tổng sản lượng 334 nghìn tấn. Về chăn nuôi toàn tỉnh có khoảng 1.400 trang trại, gia trại chăn nuôi và có 70 trang trại đạt tiêu chí, giá trị sản xuất đạt 1.135 tỷ đồng tăng 2,9% so với 2017. Về thủy sản có giá trị sản xuất đạt 2.108 tỷ đồng tăng 7,4% so với 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 58 triệu USD tăng 5,34%;

Lâm nghiệp, diện tích trồng rừng tập trung đạt 6.140 ha, tăng 1,75% so với 2017. Tổng sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt 590.000 m3, tăng 2,35%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 659 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 77 triệu USD tăng 3,54%.

Về xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh TT – Huế đã có 44/104 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt tỷ lệ 42,3%; 60 xã còn lại có: 29 xã đạt từ 15 -18 tiêu chí; 28 xã đạt 10 – 14 tiêu chí; 03 xã đạt 8 -9 tiêu chí; Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 16,3 tiêu chí/xã, không có xã dưới 8 tiêu chí.

Ước tính 6 tháng đầu năm 2019, do ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu Phi khiến tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt 148.950 con, giảm 8,26%. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 7.185 ha, tăng 2,9%; Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 27.487 tấn tăng 6,4%. Diện tích rừng trồng mới tập trung đã trồng ước đạt 3.570 ha, tăng 3%; sản lượng gỗ rừng trồng khai thác 252.035m3, tăng 2,7%.

Các công tác khác về phát triển nông nghiệp của tỉnh TT – Huế cũng đã và đang thực hiện đồng bộ, ghi nhận bước đầu có nhiều kết quả tích cực. Tỉnh TT – Huế cam kết thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất và sẵn sàng trao đổi, thảo luận để giải quyết các kiến nghị, hiến kế của các nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến làm ăn lâu dài và có hiệu quả tại địa phương.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững