Thừa Thiên Huế kiên quết nói không với tiêu dùng sản phẩm từ động vật hoang dã trong du lịch

Hồng Trang|25/08/2024 18:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Một khảo sát của cơ quan chức năng mới đây cho thấy, thực trạng tiêu dùng sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong hoạt động du lịch đang diễn biến phức tạp, khó ngăn chặn triệt để.

Trong những năm qua, ngành kiểm lâm, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, bảo vệ ĐVHD. Một thời, ĐVHD, sản phẩm từ ĐVHD được bày bán khắp nơi, trên các tuyến đường, nhưng đến nay tình trạng này đã gần như “xóa sổ”. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt ĐVHD vẫn còn tái diễn tại nhiều địa phương. Một số nhà hàng, quán ăn tại các địa phương vẫn lén lút tiêu thụ ĐVHD và sản phẩm từ các loài này.

Ông Nguyễn Đình Huy - Viện Tài nguyên và Môi trường thông tin, các ban ngành chức năng đã có cuộc khảo sát, phối hợp đa ngành nhằm giảm thiểu tiêu dùng các sản phẩm ĐVHD trong du lịch tại Thừa Thiên Huế. Cuộc khảo sát này cho thấy, sản phẩm ĐVHD được tiêu dùng nhiều nhất là tại các nhà hàng, quán ăn. Nhóm ĐVHD thông thường, gồm các loài không thuộc nhóm IB và IIB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ được tiêu dùng, mua sắm nhiều nhất.

dong-vat-hoang-da(2).png
Tiếp nhận động vật hoang dã từ người dân tự nguyện giao nộp

Du khách, người dân địa phương khi mua sắm, sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD đa số không được người bán, nơi bán cung cấp các thủ tục kinh doanh liên quan, hoặc họ không quan tâm, không yêu cầu về vấn đề này. Một khảo sát ý kiến khác từ du khách cho thấy, phần lớn đều cho rằng, trong tương lai bản thân họ sẽ dừng lại việc tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD.

Chiều ngược lại, hầu hết các du khách, người dân được khảo sát đều đã nhận thức được luật pháp trong nước cũng như quốc tế không cho phép thực hiện các hành vi săn bắt, giết mổ, chế biến, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, buôn bán ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD, động vật quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

Tuy nhiên, về nhận thức một số văn bản pháp luật quan trọng về bảo vệ ĐVHD đã được thực thi thì các đối tượng được khảo sát còn rất hạn chế. Vì vậy, các đối tượng được khảo sát có khả năng sẽ làm ngơ, ít quan tâm hoặc không quan tâm khi chứng kiến các hành vi vi phạm về săn bắt, tiêu thụ ĐVHD. Trong khi đó, họ vẫn hiểu rằng các hành vi vi phạm sẽ bị công an, kiểm lâm xử phạt nặng theo quy định của pháp luật.

Việc tiêu dùng, mua sắm các sản phẩm từ ĐVHD tại Thừa Thiên Huế diễn ra khá tinh vi, khó bị phát hiện để xử lý, xử phạt. Đây chính là lý do dẫn đến tình trạng săn bắt, tiêu thụ ĐVHD vẫn tái diễn và khó ngăn chặn một cách triệt để. Điều đáng mừng, trong các cuộc khảo sát, hầu hết các du khách, người dân đều khẳng định sẽ giảm hoặc dừng hẳn việc mua sắm, tiêu dùng các sản phẩm từ ĐVHD vì các loài này cần được bảo tồn, bảo vệ một cách nghiêm ngặt.

Ông Nguyễn Đình Huy cho rằng, những khó khăn gặp phải trong thực thi pháp luật để giảm, hoặc dừng hẳn hành vi tiêu thụ ĐVHD là do lực lượng bảo vệ ĐVHD trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn thiếu, mức xử phạt chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe.

Yêu cầu đặt ra hiện nay là cần phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hành vi vi phạm trong săn bắt, tiêu thụ ĐVHD đối với du khách và người dân địa phương nói chung. Lực lượng bảo vệ ĐVHD còn thiếu lại gặp khó khăn về kinh phí thực hiện nên cần sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ thỏa đáng từ các ban ngành, chính quyền địa phương để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả.

Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, đơn vị khai thác du lịch cần xây dựng mạng lưới kết nối để bảo vệ ĐVHD, tiến tới xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành địa phương “nói không với ĐVHD trong du lịch”. Kể cả các hướng dẫn viên du lịch, những người vận hành, quản lý nhà hàng, khách sạn cũng được tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ ĐVHD. Trong chiến dịch truyền thông cộng đồng tại địa phương kết hợp lồng ghép nâng cao nhận thức bảo vệ ĐVHD cho du khách và người dân bản địa.

Ông Nguyễn Văn Phúc- Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế thông tin, thời gian qua, ngành du lịch đã triển khai một số hoạt động nhằm ngăn chặn tình trạng tiêu thụ sản phẩm ĐVHD trong ngành. Ban giám đốc yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành đẩy mạnh thực thi pháp luật và tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài ĐVHD.

Cùng với những giải pháp thúc đẩy ngành du lịch phục hồi, tăng tốc phát triển thì việc phát triển du lịch gắn với trách nhiệm cộng đồng để bảo vệ môi trường thiên nhiên, hướng tới phát triển du lịch bền vững là một trong những giải pháp giúp ngành du lịch phát triển bền vững. Vào tháng 9/2023, Sở Du lịch phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) tổ chức buổi "Tọa đàm du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD" với mục đích nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết cho các doanh nghiệp du lịch – dịch vụ về du lịch có trách nhiệm với môi trường thiên nhiên. Đồng thời, thúc đẩy sự tham gia và hợp tác liên ngành giữa lực lượng kiểm lâm, ngành du lịch và khối tư nhân vào công tác giảm cầu tiêu thụ thịt ĐVHD trái phép. Tại buổi tọa đàm, có 45 doanh nghiệp đã ký cam kết chung tay bảo tồn ĐVHD. Sau buổi tọa đàm này có thêm khoảng 25 doanh nghiệp đã được vận động ký cam kết tại nhà về việc chung tay bảo vệ thiên nhiên, ĐVHD. Nhờ thế đã góp phần cùng với ngành kiểm lâm chung tay bảo vệ và nói không với tiêu thụ ĐVHD, không chỉ với du khách mà cả những người làm du lịch...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thừa Thiên Huế kiên quết nói không với tiêu dùng sản phẩm từ động vật hoang dã trong du lịch