Thừa Thiên - Huế: Sẽ di dời hàng nghìn cơ sở nuôi chim yến do ô nhiễm môi trường

Nguyễn An|11/12/2022 19:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngành chăn nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế phần lớn nằm xen kẽ trong khu dân cư, việc thu gom, xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi chưa triệt để, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tại kỳ họp thứ 5 diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/12, HĐND tỉnh TT-Huế khóa VIII đã cho ý kiến về tờ trình quy định khu vực không được phép nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, do UBND tỉnh trình.

Theo đó, tại TT-Huế hiện có 251 khu vực dự kiến không được phép chăn nuôi tại các địa phương và TP Huế. Đây là những khu vực, tuyến đường thuộc trung tâm của các huyện, thị xã, thành phố.

Qua xem xét tại kỳ họp lần này, có khoảng 3.187 cơ sở nuôi chim yến trên toàn địa bàn TT-Huế cần phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi. Những cơ sở phải di dời phần lớn thuộc hình thức chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, tận dụng.

Với hình thức chăn nuôi này, việc thu gom, xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi chưa triệt để, tình trạng ô nhiễm môi trường còn xảy ra; tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ động vật sang người. Do đó, việc di dời là cần thiết.

nuoi-yen.jpg
Số cơ sở chăn nuôi chim yến tại Thừa Thiên - Huế dự kiến cần phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động có khoảng 3.187 cơ sở

Tuy nhiên, quá trình thực hiện di dời cần nguồn kinh phí khá lớn do phải xây dựng lại cơ sở chăn nuôi mới, tái đàn, phát triển sản xuất, nên cần hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Theo UBND tỉnh TT-Huế, nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp để thực hiện việc di dời cơ sở chăn nuôi chim yến ra khỏi khu vực không được phép hoặc chấm dứt hoạt động dự kiến khoảng 20 tỷ đồng, được bố trí trong dự toán ngân sách của tỉnh là 70%, ngân sách huyện 30%.

Qua thẩm tra của HĐND tỉnh cho thấy, đây là những khu vực, tuyến đường thuộc trung tâm của các huyện, thị xã, thành phố Huế có chung các đặc điểm như: Khu vực trung tâm hành chính, khu dân cư tập trung, di tích, trường học, khu vực quốc phòngan ninh... HĐND tỉnh cho rằng, việc xác định các khu vực cụ thể như đề xuất là phù hợp với các quy định của pháp luật về chăn nuôi, góp phần đảm bảo phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi liên kết, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, hạn chế ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi tới đời sống ở các khu vực đô thị, đông dân cư.

Về chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi, UBND tỉnh đề nghị mức hỗ trợ từ 3 - 20 triệu đồng để hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi quy mô sản xuất. HĐND tỉnh nhất trí với đề xuất của UBND tỉnh, mức hỗ trợ trên sẽ góp phần tạo động lực ban đầu cho các cơ sở chăn nuôi di dời vào vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo quy hoạch của các địa phương, góp phần giải quyết về ô nhiễm môi trường, mỹ quan đô thị trên địa bàn tỉnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế: Sẽ di dời hàng nghìn cơ sở nuôi chim yến do ô nhiễm môi trường