Với quy mô diện tích như vậy, khu bảo tồn được phân vùng Ô Lâu (1.270,2 ha), phân vùng Cồn Tè – Rú Chá (187,1 ha) và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (614,2 ha). Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 799,1 ha; phân khu phục hồi sinh thái: 1.242,9 ha; phân khu dịch vụ – hành chính: 29,5.
Khu bảo tồn sẽ bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn như: Thực hiện nghiêm cấm các hoạt động khai thác thủy sản trên mặt nước tại các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, đồng thời nghiêm cấm khai thác thủy sản bằng hình thức mang tính huỷ diệt (lưới mắt nhỏ, te điện hay giã cào và các hình thức tương tự khác) tại các phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ – hành chính và vùng đệm.
Hoàng hôn trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai
Bên cạnh đó, chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến tới các cơ quan, người dân về hoạt động nghiêm cấm không được thực hiện, hoạt động có điều kiện tại các phân vùng của khu bảo tồn; giám sát thực hiện. Thực hiện điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học hàng năm phân bố và xu thế biến động tài nguyên của khu vực đầm phá trong điều kiện biến đổi khí hậu. Lồng ghép quy hoạch khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Quan trắc, giám sát chất lượng môi trường và đa dạng sinh học định kỳ theo mùa và hàng năm.
Việc thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ giảm thiểu các tác động làm suy giảm chất lượng môi trường sống, ảnh hưởng đến cấu trúc của hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, tăng cường khả năng chống chịu của các hệ sinh thái trong khu bảo tồn, thích ứng với những biến động tự nhiên của đầm phá và biến đổi khí hậu. Đồng thời, bảo tồn, phục hồi được sinh cảnh, các hệ sinh thái đặc thù, quan trọng, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản của đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: “Phá Tam Giang rất rộng nhưng lực lượng cũng như các phương tiện và điều kiện để thực hiện tốt công tác quản lý trên đầm phá còn hạn chế. Nạn khai thác hủy diệt như giã cào, rồi xung điện đang khai thác rất nhiều làm giảm rất nhiều nguồn lợi thủy sản. Cần phải tổ chức lại công tác quản lý, đầu tư thêm phương tiện cũng như lực lượng để bảo vệ tốt đầm phá Tam Giang”.
An Nhiên