Thực hiện hiệu quả sứ mệnh được giao

Minh Trí – Thu Hà|01/08/2023 19:00

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống 01/8/2008 - 01/8/2023, phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống có cuộc phỏng vấn đồng chí Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về một số thành tựu nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và những gợi mở hướng đi cho Tạp chí Môi trường và Cuộc sống trong giai đoạn tới.

PV: Trên cương vị là Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực môi trường, ông có thể cho biết những thành tựu nổi bật về công tác bảo vệ môi trường trong thời gian qua?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay đã được chú trọng từ nhận thức đến hành động. Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đã tích cực, chủ động triển khai công tác bảo vệ môi trường với quan điểm là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế - xã hội; Phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT). Thời gian vừa qua, chúng ta đã chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát.

thu-truong-vo-tuan-nhan.jpg
Đồng chí Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Hệ thống pháp luật về BVMT đã có những bước phát triển đột phá. Luật BVMT năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết Luật BVMT năm 2020 đã được ban hành; Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch BVMT được xây dựng đồng bộ và có bước chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của cộng đồng, doanh nghiệp.

Chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn (khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ lớn,…). Duy trì phương thức phối kết hợp giữa Trung ương và địa phương trong công tác kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường phát sinh. Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được các cấp, các ngành và toàn xã hội hết sức quan tâm.

Công tác bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đẩy mạnh; Chủ động kiểm soát được tác động tiêu cực của các dự án, hoạt động kinh tế tới thiên nhiên, đa dạng sinh học. Số lượng các khu bảo tồn, khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế ở nước ta tiếp tục gia tăng. Quy trình kiểm dịch động, thực vật nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn ngừa các loài ngoại lai xâm hại.

Nhìn chung, thông qua việc triển khai nhiều công cụ, biện pháp quản lý đồng bộ, công tác BVMT tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ số về bảo vệ môi trường đã đóng góp quan trọng trong việc cải thiện chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam so với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết quả điều tra xã hội học về Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) cho thấy mức độ lo lắng của người dân về vấn đề môi trường đã được cải thiện qua từng năm; Mức độ hài lòng của người dân đối với công tác BVMT đã được cải thiện rõ rệt.

PV: Môi trường là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững. Việc hoàn thiện thể chế quản lý môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển đất nước. Xin ông cho biết bối cảnh và ý nghĩa của việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2020?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 1993, đạo luật đầu tiên đặt nền móng pháp lý cho công tác BVMT của nước ta được ban hành, trải qua gần 30 năm, các quan điểm, chủ trương của Đảng luôn nhất quán, xuyên suốt và hệ thống pháp luật về BVMT của nước ta liên tục được bổ sung, hoàn thiện.

nhat-rac.jpg
Hoạt động nhặt rác làm sạch môi trường là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa mà Tạp chí Môi trường và Cuộc sóng đã tổ chức trong các Gala phát động Cuộc thi "Biến đổi khí hậu với cuộc sống"

Giai đoạn 2016 – 2022 đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về BVMT. Trước yêu cầu phát triển của đất nước, kiến nghị, nguyện vọng của Nhân dân, ngay từ những năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, toàn ngành đã rà soát, đánh giá thực tiễn, xác định đúng vấn đề cần sửa đổi, bổ sung của chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trên cơ sở đó trình Chính phủ ban hành theo thẩm quyền các quy định pháp luật nhằm thiết lập hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ môi trường, kiến tạo cho phát triển. Để hoạch định những chủ trương, chiến lược cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị.

Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, sửa đổi và thay thế Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 với nhiều quy định mới, thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là Kết luận số 56-KT/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị; cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với chính sách, pháp luật BVMT trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thể hiện rõ nét tư duy đổi mới trong hoạt động BVMT, đảm bảo một nền kinh tế phát triển bền vững và khắc phục các hạn chế, bất cập về BVMT của các quy định trước đây. Xuyên suốt các quy định của Luật là lấy phòng ngừa làm nguyên tắc cao nhất, đồng thời đưa ra cơ chế tạo điều kiện về mọi mặt, đặc biệt là tạo cơ chế tài chính để bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và giám sát hoạt động BVMT được hiệu quả.

Luật đã đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường trước tiên, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách BVMT khác. Luật đã phân loại dự án theo tiêu chí môi trường để có các biện pháp phù hợp, hiệu quả theo từng giai đoạn của dự án.

Luật cũng đã tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động BVMT, đã quy định về kinh tế tuần hoàn, các giải pháp tài chính và BVMT bằng động lực tài chính; hình thành các nguồn tài chính cho hoạt động BVMT, hỗ trợ xử lý tái chế chất thải. Từ đó, giải quyết được các hạn chế, bất cập trong công tác quản lý BVMT trên thực tế; Xử lý các khó khăn, vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân kiến nghị.

Các quy định mang tính căn bản để thực hiện chủ động thích ứng, giảm thiểu tác động của BĐKH, bảo vệ tầng ozone, đặt nền tảng cho việc quản lý Nhà nước về BĐKH, phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, là bước đi cần thiết để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Luật BVMT năm 2020 cũng thể hiện sự cam kết của Việt Nam về BVMT trong hội nhập quốc tế; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật về BVMT của  một số nước trên thế giới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay; Bảo đảm tính thống nhất; Có sự phân công, phân cấp rõ ràng trong quản lý Nhà nước về BVMT; Tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức và cá nhân đối với công tác BVMT.

PV: Theo ông, cần phải làm gì để Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tiếp tục đi vào cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được thông qua, Chính phủ đã chỉ đạo cần đặt trọng tâm là xây dựng các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm sẵn sàng triển khai có hiệu quả Luật BVMT năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022). Thực hiện Kế hoạch được giao, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát, xây dựng, trình ban hành, ban hành các văn bản theo thẩm quyền. Đến nay, đã có 03 Nghị định của Chính phủ, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 07 Thông tư được ban hành. Các văn bản còn lại tiếp tục được xây dựng trong giai đoạn 2022 – 2025 theo lộ trình.

dien-dan.jpg
Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã tổ chức các buổi diễn đàn với những nội dung, chủ đề liên quan tới môi trường, tài nguyên nước và biến đổi khí hậu

Đến nay, Chính phủ đã ban hành Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; 08 Chỉ thị quan trọng về công tác bảo vệ môi trường. Các quy hoạch BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sẽ được xem xét, phê duyệt trong năm nay.

Việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật theo quy định của Luật BVMT năm 2020 là cơ sở quan trọng để có thể triển khai thực hiện nhiệm vụ BVMT, phát triển bền vững trong giai đoạn tới. Để pháp luật đi vào cuộc sống, vẫn cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT. Cần xây dựng và hình thành đồng bộ các cơ chế, công cụ, biện pháp, các quy định chi tiết, quy chuẩn, quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ công tác quản lý môi trường, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là thực tiễn ở địa phương, đồng thời tiếp cận với trình độ quản lý của các nước tiên tiến trên thế giới, tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan, dự báo sát và theo kịp với diễn biến nhanh và mức độ phức tạp của các vấn đề môi trường; cập nhật, bổ sung, hoàn thiện kịp thời theo yêu cầu của thực tiễn.

PV: Trong hành trình phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường, có những đóng góp của báo chí. Ông có đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí nói chung, của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống nói riêng?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Trong sự phát triển chung của cả nước, cùng với sự nỗ lực của các Bộ, Ban ngành, đoàn thể và sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân, còn có sự đóng góp rất quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí. Báo chí luôn bám sát nhiệm vụ chính trị để tuyên truyền, phản ánh nhanh nhạy, kịp thời, chân thực những vấn đề thời sự trong đời sống xã hội. Thông qua báo chí, nhân dân có thêm cái nhìn toàn cảnh, đa chiều về tất cả các mặt đời sống, chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và thế giới.

Đối với Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, thời gian qua đã khẳng định là địa chỉ tin cậy, gần gũi, quen thuộc với người dân, tiếp tục khẳng định là cơ quan báo chí uy tín, phản ánh thông tin liên quan đến môi trường, tài nguyên nước và biến đổi khí hậu; Với mô hình đa phương tiện, đa nền tảng chuyên sâu, chuyên biệt mang tính cập nhật, tin cậy, định hướng, lan tỏa và hiệu quả.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống vẫn tìm được chỗ đứng trong lòng độc giả; Xây dựng được bản sắc riêng biệt khi tập trung truyền thông các lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước và biến đổi khí hậu.

Một điểm nhấn ấn tượng là việc nhiều năm qua, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã tổ chức hàng loạt các buổi tọa đàm trực tuyến với những nội dung, chủ đề liên quan tới môi trường, tài nguyên nước và biến đổi khí hậu… nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về thực trạng công tác bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay. Từ đó tìm ra nguyên nhân để đề xuất kiến nghị các giải pháp tổng thể, thống nhất.

Bên cạnh thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về môi trường, tài nguyên nước và biến đổi khí hậu, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã và đang tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị. Cập nhật kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các hoạt động chỉ đạo điều hành cũng như những chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Cùng với báo chí nói chung, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã thể hiện trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, thông tin kịp thời, có nhiều bài phản biện, súc tích, gần gũi, góp phần tạo sự đồng thuận cùng niềm tin lớn đối với người dân trong cả nước về công tác BVMT.

Tin tức, hình ảnh và bài viết của Tạp chí không chỉ phản ánh các vấn đề mang tính hiện trạng; thông qua những tuyến bài phản biện công phu với sự tham gia góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, Tạp chí đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị thiết thực về các vấn đề liên quan đến môi trường, nước sạch, tài nguyên và biến đổi khí hậu.

Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã và đang thực hiện hiệu quả sứ mệnh được giao. Không chỉ phản ánh hơi thở cuộc sống của người dân, Tạp chí còn là cầu nối giữa các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực kinh tế, môi trường với cơ quan quản lý và độc giả.

PV: Trước xu thế hiện nay, ông có thể gợi mở hướng đi cho Tạp chí Môi trường và Cuộc sống để Tạp chí tiếp tục phát huy tốt truyền thống vẻ vang, xứng đáng là "người bạn đồng hành tin cậy" của người dân?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Để làm tròn trọng trách của mình và ngày càng phát triển hơn nữa, tôi cho rằng, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống cần tiếp tục giữ vững bản lĩnh chính trị, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng thông tin, phản biện, tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và biến đổi khí hậu. Những nội dung về chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và hướng đến Net Zero (2050) là xu thế và đang chuyển động nhanh chóng ở nước ta, gắn với các cam kết toàn cầu.

Tạp chí cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, thúc đẩy các mô hình, điển hình về BVMT, cụ thể như:

Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn triển khai Luật BVMT năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, tập trung vào các quy định mới. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình truyền thông về tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế ít chất thải, carbon thấp, kinh tế tuần hoàn theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, các vùng miền, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số; Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đào tạo, truyền thông về môi trường.

Tăng cường công tác truyền thông kết quả Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP15), Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal và định hướng hành động của Việt Nam. Đề xuất các sáng kiến, công cụ kinh tế, kỹ thuật nhằm thúc đẩy thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu tại Việt Nam; Các biện pháp huy động nguồn lực và sự tham gia của các bên liên quan để thực hiện các biện pháp phục hồi đa dạng sinh học ở nước ta hiện nay.

Thực hiện chương trình truyền thông mạnh mẽ để tạo thành phong trào rộng lớn trong toàn dân tham gia BVMT, nhất là trong phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng nhựa, túi nilon khó phân hủy, sử dụng một lần, bảo vệ các loài động vật hoang dã.

Chủ động rà soát, nắm bắt, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường trên các phương tiện truyền thông, báo chí và các kênh thông tin khác.

Phát huy vai trò, thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư trong công tác BVMT. Phát hiện, nêu gương, tạo được phong trào, nhân rộng các điển hình, khu vực, mô hình, cách làm hay, tốt về môi trường; Thúc đẩy các nhân tố tích cực, điểm sáng, khu vực, địa bàn, lĩnh vực điển hình về môi trường nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, giảm dần, thu hẹp các địa bàn, loại hình, đối tượng gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường.

Nhân kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, tôi xin gửi tới Ban biên tập, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Tạp chí lời chúc mừng tốt đẹp nhất; Mong các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống, ngày càng phát triển hơn nữa.

Xin chân thành cảm ơn Thứ trưởng, chúc Thứ trưởng và ngành Tài nguyên và Môi trường gặt hái được nhiều thành công.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện hiệu quả sứ mệnh được giao