Thực trạng và nỗi lo nơi hạ nguồn dòng Mê Kông (Bài 1)

Mai Dung - Lam Trinh|21/05/2024 11:08
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang đối diện với nhiều thách thức do hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, sự gia tăng phát triển các chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn và các dự án chuyển nước sông Mê Kông qua các vùng đất khác gây nên những tác động nước xuyên biên giới.

Xâm nhập mặn vùng ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là phần hạ lưu giáp biển của sông Mê Kông, có địa hình thấp và khá bằng phẳng với 2 vùng trũng lớn là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Cùng với dòng chính - sông Tiền và sông Hậu, ĐBSCL có hệ thống kênh rạch chằng chịt với mật độ trung bình 4km trong 1km2, tạo điều kiện thuận lợi cho xâm nhập mặn do thủy triều đưa nước mặn vào sâu trong sông và nội đồng, đặc biệt trong mùa cạn, khi mà lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông giảm thấp.

han-man-1.jpeg
Hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ đầu năm 2024 đến nay, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và năm 2023. Trong tháng 02-3/2024, tại khu vực ĐBSCL đã diễn ra 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp. Các đợt xâm nhập mặn sâu nhất xuất hiện từ ngày 8-13/3 với ranh mặn 4‰, 1‰ xâm nhập vào sâu 40-66 km, có nơi sâu hơn, như tỉnh Tiền Giang và Bến Tre vào sâu 70-76km. Đặc biệt tại khu vực Bến Tre và sông Cổ Chiên đã xâm nhập mặn sâu hơn năm 2016. Đợt triều cường ngày 23-24 (15/2 âm lịch) đã đẩy mặn vào sâu nên thời gian giảm mặn sẽ diễn ra dài ngày. Bên cạnh đó, các kênh rạch một số tỉnh thuộc ĐBSCL đang gặp tình trạng khô cạn.

Xâm nhập mặn năm 2024 này diễn ra sớm, giữa tháng 11 đã xuất hiện, đi sâu vào nội đồng, đợt mặn từ ngày 8 đến13/3 ranh mặn 4 g/l vào sâu 40-50 km, có nơi sâu hơn, tính đến thời điểm hiện tại đây là đợt có nồng độ mặn cao nhất năm 2024; ranh mặn 1 g/l tại Tiền Giang có nơi xâm nhập sâu tới 70km.

Diễn biến xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre: Mùa khô 2023-2024 mặn xâm nhập sớm, sâu hơn TBNN và sâu hơn mùa khô 2022-2023. Tính đầu mùa khô đên nay đợt xâm nhập mặn 8-13/3 là đợt xâm nhập mặn sâu nhất, đặc biệt trên sông Cổ Chiên đã sâu hơn ranh mặn 1 g/l sâu nhất mùa khô 2015-2016.

Diễn biến xâm nhập mặn tại tỉnh Tiền Giang: năm 2024 trên địa bàn tỉnh đến sớm hơn và lấn sâu hơn so với trung bình nhiều năm, độ mặn 4g/l lấn sâu 18 km vào ngày 08/01. Độ mặn tăng cao và lấn sâu vào nội đồng vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 trùng với kỳ triều cường đầu tháng Hai âm lịch nên độ mặn trên sông Tiền đã tăng cao và lấn sâu hơn so với cùng kỳ năm 2016.

Diễn biến xâm nhập mặn tại tỉnh Trà Vinh: trên sông Long Toàn và Sông Hậu mặn tăng nhanh và xuất hiện cao nhất đầu tháng 02/2024, trên sông Cổ Chiên kéo dài và xuất hiện cao nhất đầu tháng 3/2024. Đỉnh mặn cao nhất trên các sông chính trong tỉnh đạt từ 6.8-20.0 g/l.

Diễn biến xâm nhập mặn tại tỉnh Sóc Trăng: tại Sóc Trăng các trạm trên Sông Hậu năm 2024 xâm nhập mặn 1g/l có phạm vi ảnh hưởng lớn nhất trong năm là 63km, trên sông Mỹ Thanh là 73km. Trên Sông Hậu năm 2024 xâm nhập mặn 4g/l có phạm vi ảnh hưởng lớn nhất trong năm là 50-55km, trên sông Mỹ Thanh là 52-57km.) Tình trạng sụt lún vẫn còn tiếp tục tại một số tỉnh phía Nam sông Hậu. Điều này có thể gây bất lợi đối với công tác sản xuất lúa do cuối tháng 3 là thời điểm các tỉnh ĐBSCL chuẩn bị kết thúc thu hoạch và sẽ tiến hành xuống giống vụ lúa Hè thu năm 2024.

han-man.jpg
Hệ thống cống ngăn mặn ở các huyện ven sông Hậu ở Sóc Trăng được đóng kín ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm.

Tại tỉnh Cà Mau, theo kết quả quan trắc vào đầu tháng 4/2024, hạn hán kéo dài đã khiến mực nước dưới các kênh, rạch trong vùng ngọt huyện U Minh xuống mức thấp; hầu hết các tuyến kênh, rạch trong vùng ngọt của Trần Văn Thời đã khô cạn.

Thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, hạn hán kéo dài đã gây nhiều ảnh hưởng trên địa bàn toàn tỉnh, nặng nhất tại các huyện Trần Văn Thời và U Minh. Tại huyện Trần Văn Thời, hạn hán kéo dài đã dẫn đến sụt lún, sạt lở đất tại 601 vị trí của hơn 132 tuyến kênh, rạch…, với tổng chiều dài 15.890m. Còn huyện U Minh cũng đã xuất hiện các vị trí sụt lún, sạt lở do hạn hán gây nên.

Tại nhiều địa phương trong tỉnh, tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ đời sống của người dân, khả năng còn tiếp tục xuất hiện thêm các điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường giao thông trong vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời và U Minh, làm hư hỏng kết cấu mặt đường, gây khó khăn cho giao thương hàng hóa, đi lại của người dân, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và phát triển của cây trồng…

Đối mặt với nhiều thách thức lớn

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn, bà Nguyễn Thị Phương Lâm, chuyên gia tài nguyên nước - Hội Tưới tiêu Việt Nam cho biết, ĐBSCL hiện nay đối mặt rất nhiều thách thức lớn, ngoài những tác động của biến đổi khí hậu ra, ảnh hưởng bởi tình hình khai thác nước từ thượng nguồn, ĐBSCL đang thiếu nước cho sản xuất, tưới tiêu, được biết thời điểm này một số địa phương như tại Sóc Trăng, Cà Mau phải lùi lại thời vụ gieo cấy xuống giống để chờ mưa, ứng phó hạn mặn.

ba-phuong-lam-3.jpg
Bà Nguyễn Thị Phương Lâm, chuyên gia tài nguyên nước - Hội Tưới tiêu Việt Nam

Đánh giá về bức tranh thực tế ở vùng ĐBSCL - nơi đang phải đối mặt rất nhiều thách thức lớn về an ninh nguồn nước, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam cho biết, trước tiên phải nói rằng ĐBSCL hưởng lợi từ sông Mê Công. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì nước từ sông Mê Công chảy về cho ĐBSCL 500 tỷ m3 nước, sông Hồng chảy về cho đồng bằng sông hồng khoảng 300 tỷ m3 nước. Nhưng bây giờ tình thế đã khác hẳn.

"Tôi chưa nói đến nước thượng nguồn mà bản thân ĐBSCL đã bị El Nino làm cho ảnh hưởng. Năm 2016- 2017 ĐBSCL cũng hạn hán vì El Nino và theo dự báo cứ khoảng 4 năm, El Nino lại tiếp tục làm cho hạn, nứt bởi vì đây là mùa khô. Mà tôi được biết rằng vụ Đông Xuân ở ĐBSCL là vụ chính, cây lúa rất phát triển nếu mà El-Nino thì vụ Đông Xuân rất khổ. Vậy nguồn nước thượng nguồn sẽ giảm đi, ĐBSCL phải giải quyết vấn đề này như thế nào. Tôi cho rằng chúng ta phải chủ động dựa vào khí tượng thủy văn, nghĩa là thuận thiên để có phương hướng phát triển. Chính phủ phải khuyến cáo người nông dân chuyển vụ tức là chúng ta không hoàn toàn phụ thuộc vào nước mà chúng ta phải chủ động dựa vào nước, chia mùa trồng cấy. Mặc dù, nguồn nước thượng nguồn là quan trọng nhưng với tình hình hạn mặn như hiện nay, chúng ta phải có những cách để không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn. Tức là phải dựa vào nước, khi nước thượng nguồn đổ xuống là phải tận dụng ngay", GS.TS Vũ Trọng Hồng cho ý kiến.

Đề cập đến vấn đề trữ nước, theo GS.TS Vũ Trọng Hồng thì ngành thủy lợi từng hướng dẫn người dân dùng ao hồ chuôn, kênh chứa nước người dân rất thành thạo.

gs.ts-vu-trong-hong.jpg
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam

"Tôi muốn nói đến một giải pháp mới trong điều kiện thượng nguồn nước cạn thì chúng ta phải làm hồ chứa nhưng đất không còn, đặc biệt ở ĐBSCL đất nông nghiệp là chính. Cho nên các nhà khoa học thủy lợi, các giáo sư đã từng đề xuất làm hồ chứa ở các cửa sông ra cửa biển. Tức là phải quây nó lại và giữ nước ở đấy. Tất nhiên nước chứa ở đó sẽ thành nước lợ không thể dùng để ăn nhưng dù sao nước đó chúng ta vẫn có thể sử dụng cho sản xuất. Còn nước ăn thì không sử dụng cái đó. Nước ăn ngày xưa đã có hướng dẫn là người dân tự có cái hứng nước cất đi. Ở các tỉnh phía Bắc, vùng núi cao, nhất là trên Đồng Văn, Hà Giang, người dân rất khan hiếm nước, nhưng hễ có mưa, có nước là người ta xây bể chứa để tích nước. Mỗi gia đình chỉ cần bể chứa 10 khối là đủ nước sinh hoạt. Tại sao chúng ta không khuyến cáo người dân ở ĐBSCL mà lại cứ đào nước ngầm mãi để mà như hiện nay Cà Mau để nước ngầm sụt lún", GS.TS Vũ Trọng Hồng bày tỏ ý kiến.

Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ĐBSCL nằm ở hạ lưu sông Mê Công, có nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp do nguồn nước phong phú và được điều tiết tự nhiên bởi Biển Hồ (Campuchia), tài nguyên, đất đai bằng phẳng, màu mỡ, thủy sản dồi dào, đa dạng...

Qua thống kê, vùng ĐBSCL có diện tích đất canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản gần ba triệu héc-ta, đây là vùng có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về sản xuất nông nghiệp bao gồm: Trồng trọt và nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ, ngọt.

So với cả nước, diện tích ĐBSCL chỉ chiếm 12% nhưng sản xuất lúa chiếm tới 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo của vùng chiếm tới 90% sản lượng và thủy sản chiếm 70% diện tích nuôi trồng, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu của cả nước...

Nhưng khu vực này cũng luôn phải đối mặt với không ít khó khăn và hạn chế do mặn xâm nhập với diện tích khoảng từ 1,2 đến 1,6 triệu héc-ta ở vùng ven biển, ứng với độ mặn 4 g/l (vào mùa kiệt); thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt ở những vùng xa sông, gần biển; xói lở bờ sông, biển, sụt lún bờ kênh, rạch xảy ra nhiều nơi và ngày càng nghiêm trọng…

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ĐBSCL chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất so với các vùng khác. Các nghiên cứu cho thấy, trong 30 năm qua, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm, đỉnh triều tăng nhiều hơn chân triều, dẫn đến năng lượng dòng triều tăng.

Toàn vùng có 17 cửa sông với tổng chiều rộng khoảng 25 km, dẫn đến sự trao đổi nước từ biển vào đã và tiếp tục gia tăng từ 25% đến 65% khiến diện tích bị ngập triều và xâm nhập mặn tăng theo. Bên cạnh đó, việc tiêu thoát nước cũng khó khăn, dẫn đến tăng diện tích ngập do lũ, do triều và kéo dài thời gian ngập.

Đến năm 2024, các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công đã xây dựng 128 hồ trên dòng chính và dòng nhánh với dung tích hữu ích khoảng 88 tỷ mét khối; dự kiến tăng lên 90 đến 95 tỷ mét khối vào năm 2030 và sẽ đạt 120 tỷ mét khối khi hoàn thành 231 hồ theo quy hoạch giai đoạn năm 2040-2060.

Các công trình này sẽ tác động đến dòng chảy về ĐBSCL trong cả mùa lũ và mùa kiệt, tần suất xuất hiện lũ lớn giảm, thay vào đó là lũ nhỏ, thậm chí mất lũ tăng lên…, do đó xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn. Hơn nữa, sự sụt giảm khoảng 70 đến 75% hàm lượng phù sa về ĐBSCL (do các hồ chứa thượng nguồn giữ lại) đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra xói lở nghiêm trọng bờ sông, biển.

Theo tính toán, đến năm 2050, khi toàn bộ các dự án thủy điện mà các quốc gia thượng nguồn đã quy hoạch triển khai hết thì lượng phù sa về khu vực này chỉ còn 5% so với thời điểm cao nhất. Mặt khác, do diện tích trồng lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản tăng cũng làm gia tăng nhu cầu nước tưới.

Việc gia tăng nhu cầu dùng nước dẫn đến áp lực tăng yêu cầu phục vụ của các công trình thủy lợi, và khi công trình thủy lợi không đáp ứng đủ dẫn đến việc khai thác nước ngầm quá mức và hệ lụy là tình trạng hạ thấp mực nước ngầm, lún sụt đất nền.

Từ nhiều năm qua, để điều hòa nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, các hệ thống công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lũ, xâm nhập mặn, cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với những tác động tiêu cực ngày càng gia tăng, việc bảo đảm an ninh nguồn nước đang chịu nhiều áp lực, nhất là công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và biến đổi khí hậu của nước ta cũng chia sẻ, trong quá trình tồn tại và phát triển của một quốc gia hay một vùng lãnh thổ, nước luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Ở ĐBSCL, nơi mà sản xuất nông nghiệp vẫn là hoạt động chính thì nước lại càng quan trọng hơn. Nằm ở hạ lưu và giáp biển nên mỗi tác động từ thượng lưu xuống và mặn từ biển vào, khi tiếp cận với nguồn nước của đồng bằng này đều được khuyếch đại cao hơn nhiều lần, do vậy phải được nhận biết một cách rõ ràng và tường minh hơn. Nhận biết đầy đủ và thấu đáo những vấn đề về nước ở ĐBSCL sẽ cho chúng ta hiểu hơn những cơ hội và thách thức trong điều kiện thiên tai và nhân tai ngày càng rõ nét, từ đó đề ra những giải pháp căn cơ nhất, chuẩn mực nhất, chiến lược nhất để phát triển bền vững đồng bằng này trước các nguy cơ hiện hữu và tiềm ẩn trong tương lai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thực trạng và nỗi lo nơi hạ nguồn dòng Mê Kông (Bài 1)
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.