Việt Nam mong muốn Campuchia chia sẻ thông tin, tham gia nghiên cứu chung về tác động Dự án kênh đào Funan Techo

Minh Châu|04/05/2024 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã đề nghị Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế hỗ trợ các quốc gia triển khai nghiên cứu về đánh giá tác động xuyên biên giới của Dự án kênh đào Funan Techo (Campuchia).

Theo Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia sẽ nâng cấp và cải tạo 180km tuyến kênh/sông, bao gồm: Đoạn thứ nhất (chiều dài khoảng 20km) nối sông Mê Công với sông Bassac; Đoạn thứ 2 tiếp tục chạy dọc theo sông Bassac đến điểm kết nối với kênh giao thông thủy từ sông Bassac ra cảng Kẹp (chiều dài khoảng 30km) và Đoạn thứ ba dài 130km nối sông Bassac (tại điểm cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 20km) với cảng Kẹp của Campuchia.

Phía Campuchia thông báo các đoạn kênh này được thiết kế với kích thước đủ lớn (bề rộng đáy kênh 50m, bề rộng mặt kênh từ 80-120m và chiều sâu mực nước trong kênh 4,7m) để các tàu tải trọng đến 1.000 tấn có thể đi qua.

kenh-dao.jpg
Sơ đồ Dự án kênh đào Funan Techo. Ảnh: Khmer Times

Dự án sẽ xây dựng 3 cống (âu thuyền) để điều tiết dòng chảy, duy trì sự ổn định của mực nước trong kênh giao thông thủy và chống xâm nhập mặn. Các cống này có chiều dài 135m, chiều rộng 18m, độ sâu 5,8m. Bên cạnh các hạng mục công trình trên, Dự án cũng tiến hành xây dựng 11 chiếc cầu giao thông (dài 161m, rộng 12m) bắc qua tuyến kênh để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Dự kiến Dự án sẽ được khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027 với tổng lượng hàng hóa lưu thông qua tuyến đường thủy mới này là 7 triệu tấn/năm.

Trên cơ sở nghiên cứu các thông tin thông báo về Dự án cho Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Campuchia, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã trao đổi song phương với phía Campuchia ở các cấp để nêu quan ngại của Việt Nam về tác động của Dự án tới Đồng bằng sông Cửu Long và đề nghị phía Campuchia chia sẻ các thông tin chi tiết về Dự án, bao gồm Báo cáo khả thi dự án; tiến hành nghiên cứu chung về tác động của Dự án; áp dụng Hướng dẫn đánh giá tác động xuyên biên giới của Ủy hội sông Mê Công quốc tế cho Dự án nhằm đạt được sự hiểu biết chung về các tác động xuyên biên giới của dự án và các biện pháp giảm thiểu phù hợp. Tại các cuộc tiếp xúc, Ủy ban sông Mê Công Campuchia đã ghi nhận các quan ngại của phía Việt Nam về Dự án và thông báo đang làm việc với các bộ, ngành liên quan của Campuchia để chuyển tải các ý kiến của phía Việt Nam.

Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã đề nghị Ban Thư ký Ủy hội hỗ trợ các quốc gia triển khai nghiên cứu về đánh giá tác động xuyên biên giới của Dự án. Ban Thư ký Ủy hội đang khẩn trương tiến hành nghiên cứu độc lập về tác động của Dự án, đặc biệt là các tác động xuyên biên giới, đề xuất các biện pháp giảm thiểu và giám sát tác động.

Ngày 23/4, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã phối hợp với Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế tổ chức cuộc họp tham vấn về Dự án. Các đại biểu tại cuộc họp tham vấn đã nêu các quan ngại về Dự án, bao gồm các tác động của Dự án đến tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trong bối cảnh hạn mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt hơn. Việc kênh Funan Techo sẽ chuyển nước từ sông Bassac, là phân lưu của sông Mê Công ra cảng Kẹp nằm ngoài lưu vực sẽ gây suy giảm tài nguyên nước tới Đồng bằng, có thể gây tác động tiêu cực đến các hoạt động sinh kế, sản xuất của người dân địa phương và các hệ sinh thái tự nhiên.

Các thông tin chính thức do phía Campuchia thông báo là kênh đào Funan Techo chỉ phục vụ mục đích giao thông thủy. Tuy nhiên theo các thông tin của báo chí và phát biểu của lãnh đạo Campuchia thì kênh đào còn phục vụ mục đích tưới nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nam của Campuchia. Chưa đủ thông tin về vận hành của 3 cống âu thuyền thuộc Dự án, Việt Nam mong muốn Campuchia sẽ sớm chia sẻ các thông tin chi tiết về mục tiêu và về thiết kế, vận hành của Dự án.

Việt Nam cũng mong muốn Campuchia sớm cung cấp các thông tin và tham gia nghiên cứu chung về tác động của Dự án và thống nhất các giải pháp giảm thiểu và giám sát tác động phù hợp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam mong muốn Campuchia chia sẻ thông tin, tham gia nghiên cứu chung về tác động Dự án kênh đào Funan Techo