Mức độ ô nhiễm gia tăng mỗi ngày tại bãi rác Đông Nam
Bãi rác Đông Nam tại Thung Chim - núi Vàng (huyện Đông Sơn) đi vào hoạt động từ tháng 11/2013 với diện tích gần 30ha, được quy hoạch đến năm 2020 là nơi tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt cho toàn bộ khu vực TP Thanh Hóa, huyện Đông Sơn và 4 xã thuộc huyện Quảng Xương. Ban đầu, nơi đây được bố trí với sức chứa từ 240-250 tấn rác/ngày đêm nhưng đến nay, lượng rác thải được thu gom, tập kết đã lên tới 390 tấn/ngày đêm. Từ khi bãi rác hoạt động, người dân xã Đông Nam rơi vào cảnh sống chung cùng ô nhiễm. Theo người dân, rác được đưa về đây chưa được chôn lấp hợp vệ sinh mà chủ yếu đổ lộ thiên, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Mỗi khi mưa xuống, nước thải đen ngòm chảy từ bãi rác ra môi trường, ngấm dần xuống đất, gây nguy cơ đầu độc nguồn nước.
Qua ghi nhận được biết, bãi rác Đông Nam hiện có 6 ô chôn lấp rác sinh hoạt, trong đó 5 ô chôn lấp đã đầy, vượt quá công suất thiết kế. Cụ thể, ô chôn lấp số 1, 2: Được xây dựng và tiếp nhận rác từ năm 2014; diện tích 9.162 m2, sâu 3 m, cao khoảng 10,7 m; trữ lượng rác 126.000 m3, tương đương 52.920 tấn. Đến tháng 6/2017, tạm dừng tiếp nhận rác; năm 2020, được cải tạo, gia cố để tiếp tục tiếp nhận rác; từ năm 2021 đến nay đã dừng tiếp nhận rác. Ô chôn lấp số 3, 4: Được xây dựng và tiếp nhận rác từ năm 2016, 2017; diện tích 20.000 m2, sâu 10 m, cao khoảng 31,5 m; trữ lượng rác 830.000 m3, tương đương 348.600 tấn. Năm 2020, tạm dừng tiếp nhận rác; đến tháng 01/2023, được cải tạo, gia cố để tiếp tục tiếp nhận rác; từ tháng 6/2023 đã dừng tiếp nhận rác. Ô chôn lấp số 5: Được xây dựng và tiếp nhận rác từ tháng 6/2021; diện tích 9.435 m2, sâu 11 m, cao khoảng 23 m; trữ lượng rác 311.300 m3, tương đương 130.746 tấn; đã tạm dừng tiếp nhận rác từ tháng 01/2023. Ô chôn lấp số 6, tại khu đất dự trữ phát triển (DTPT) 03 và khu đất dự trữ phát triển 04 thuộc QHCT tỷ lệ 1/500 dự án Khu xử lý rác sinh hoạt tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn): Tổng trữ lượng dự kiến 114.580 m3, tương đương 48.125 tấn; trong đó: Tại khu đất DTPT 03 được xây dựng và tiếp nhận rác từ ngày 19/6/2023, diện tích 8.608,8 m2, sâu 11m, dự kiến tiếp nhận đến 12/2023; khu đất DTPT 04 có diện tích 6.627,7 m2, sâu 3m (chứa rác của Dự án Melinh Plaza). Hàng ngày, lượng rác vận chuyển về Khu xử lý rác Đông Nam rất lớn, khoảng 453 tấn/ngày.đêm (gồm: TP Thanh Hóa 385 tấn/ngđ; huyện Đông Sơn 60 tấn/ngđ; huyện Quảng Xương 8 tấn/ngđ), dẫn đến tình trạng quá tải; trong đó, có 05 ô chôn lấp (số 1, 2, 3, 4, 5) đã đầy và dừng tiếp nhận rác, 01 ô chôn lấp số 6 hiện đã lấp đầy 2/3 hố, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ đầy và phải dừng tiếp nhận rác.
Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan đến việc xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp; theo giấy phép môi trường, các ô chôn lấp khi ngừng hoạt động phải được phủ đất, trồng cây xanh, nhưng do trong quá trình sử dụng, các ô chôn lấp rác thải (số 1, 2, 3, 4, 5) đều trong tình trạng quá tải, nên giải pháp này không thực hiện được; trong khi đó, khối lượng rác thu gom về khu xử lý ngày càng nhiều dẫn đến phạm vi ô nhiễm ngày càng lan rộng.
Bãi rác Núi Voi – nỗi ám ảnh của người dân Bỉm Sơn
Tương tự như bãi rác Đông Nam, bãi rác Núi Noi, phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa), cũng đang trong tình trạng quá tải, khi phải tiếp nhận một lượng rác khổng lồ, vượt quá công xuất xử lý. Từ nhiều năm nay, mỗi khí nhắc tên Núi Voi, thì đa phần người dân sống trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn, đều tỏ ra ái ngại với hình ảnh núi rác khổng lồ, bốc mùi hôi thối, vừa mất mỹ quan vừa tiềm ẩn nguy cơ hình thành các ổ bệnh dịch. Thực trạng này không những không được giải quyết mà qua mỗi năm lại càng trở nên trầm trọng, nhức nhối. “Bãi rác đã quá tải nhiều năm, lượng rác cứ dồn ứ rồi chất đống cao thêm mỗi ngày. Ô nhiễm cũng không tránh khỏi; trời mưa nước thải từ bãi rác rỉ ra, chảy tràn ra ruộng đồng, ao hồ của người dân, còn những ngày trở trời hay gió mùa, mùi hôi thối cứ sộc thẳng vào nhà, khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn. Sợ nhất là nguy cơ xuất hiện các ổ dịch từ khối rác thải khổng lồ ấy, bởi ruồi nhặng rất nhiều, chúng sinh sôi rồi bay thằng vào khu dân cư. Chả hiểu cái dự án gì gì đó khi nào thì đi vào hoạt động, chứ chúng tôi đã chịu đừng gần 20 năm, liệu còn phải đợi đến bao giờ nữa?” – một người dân sống gần bãi rác cho biết.
Theo thiết kế, bãi rác có thể tích chứa được khoảng 16.000m3, song, do rác tích tụ nhiều năm không kịp xử lý nên có thời điểm bị "nhồi nhét” lên tới khoảng 80.000m3 rác thải. Tuy bãi rác đã quá tải nhiều năm và hiện tại được chất đống cao hơn núi nhưng vẫn "oằn” mình cõng thêm 55 - 70 tấn/ngày.
Nỗi khổ của người dân sống gần khu vực bãi rác Núi Voi và bãi rác Đông Nam không còn là câu chuyện riêng của 2 địa phương trên, mà đó đang là thực trạng chung của nhiều bãi rác quá tải khác trên địa bàn tỉnh, như: bãi rác phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn), bãi rác thôn Nê Cắm, xã Đồng Lương (Lang Chánh)... Hơn ai hết, những người dân sống gần khu vực bãi rác quá tải mong muốn các cấp chính quyền cũng như các ngành liên quan sớm tìm ra giải pháp xử lý triệt để, trả lại cho họ môi trường sống trong lành.
Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 16 khu xử lý chất thải rắn bằng biện pháp chôn lấp. Theo phương án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045 do đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường trình bày, mục tiêu đến năm 2025, sẽ có 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 90% tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường. Các loại chất thải rắn công nghiệp thông thường; lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ sản xuất nhiệt điện, phân bón; chất thải rắn nguy hại phát sinh từ sản xuất; chất thải rắn trong xây dựng; bùn thải… đều được thu gom xử lý với tỷ lệ từ 80 đến 100%, tùy điều kiện và khả năng thực tế. Đến năm 2045, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; hạn chế đến mức thấp nhất việc chôn lấp chất thải rắn như tại nhiều địa phương hiện nay.
Một bức tranh về công tác xử lý rác thải rắn đã được tỉnh Thanh Hóa vẽ lên với thật nhiều gam màu sáng, điều đó thể hiện sự quyết tâm của địa phương với nhiệm vụ này. Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế hiện tại, thiết nghĩ địa phương đang còn nhiều việc phải làm!