Tiềm năng khai thác từ nguồn khí gas trên hố nước tự sôi ở Sóc Trăng

Thơ Hoàng|17/07/2024 07:25
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nguồn khí trên hố nước tự sôi tại Sóc Trăng có nguồn gốc phân hủy từ vật liệu hữu cơ, hàm lượng CH4 cao (có thể là khí biogas hoặc dầu khí) có tiềm năng khai thác sử dụng làm nhiên liệu.

nuoc-tu-soi.jpg
Nguồn khí tự nhiên trên hố nước có khả năng tự sôi

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo khí gas từ giếng khoan nước sinh hoạt và định hướng nghiên cứu thăm dò, khai thác khí nông tại Sóc Trăng.

Nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã lấy mẫu khí từ hố nước tự sôi, có thể đốt cháy ở xã Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) để xét nghiệm.

Kết quả cho thấy khí này có nguồn gốc phân hủy từ vật liệu hữu cơ, hàm lượng CH4 cao (có thể là khí biogas hoặc dầu khí) có tiềm năng khai thác sử dụng làm nhiên liệu. Ngoài ra, khí bốc lên có hàm lượng CO2 và H2S thấp, do cách xa khu dân cư nên mức tác động thấp đến sinh hoạt của cư dân, môi trường sinh thái.

Sau khi có kết quả nghiên cứu bước đầu, PGS.TS Trần Văn Xuân (Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, cần có đề án đánh giá tổng thể về hình thái cấu trúc và phạm vi phân bố khí một cách khoa học, về tiềm năng khai thác và ứng dụng. Việc nghiên cứu chuyên sâu về nguồn gốc, phạm vi phân bố của nguồn tài nguyên khí này đem đến nhiều lợi ích cho địa phương về kinh tế.

ho-nuoc-tu-soi.jpg
Việc nghiên cứu chuyên sâu về nguồn gốc, phạm vi phân bố của nguồn tài nguyên khí này đem đến nhiều lợi ích cho địa phương về kinh tế

Trước đó ngày 12/5, nhiều người dân trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng đổ xô đến một cánh đồng (cách khu dân cư 100m) ở xã Thuận Hưng để xem một hố nước có khả năng tự sôi; khi châm lửa trên miệng hố thì lập tức bốc cháy.

Theo chính quyền địa phương, nơi này là giếng khoan cũ của gia đình ông Lý Thol và việc ở đây có khí cháy đã xuất hiện từ lâu, không có gì huyền bí.

Ông Lý Thol cho biết, năm 2002 ông làm nhà ở trên khu đất này. Thời điểm đó, ông kêu thợ khoan giếng lấy nước sử dụng, phát hiện có khí bốc lên, đốt cháy được nên ông sử dụng nguồn khí này để nấu ăn.

Đến năm 2006, ông Thol dời nhà vào bên trong và lấp miệng giếng lại. Tại cánh đồng này ông vẫn làm lúa bình thường.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng đề xuất trong thời gian tới, các nhà khoa học cần đánh giá sát hơn về trữ lượng nguồn khí, từ đó nghiên cứu sâu hơn về vấn đề khí nông tại tỉnh Sóc Trăng.

Bài liên quan
  • Lạng Sơn tăng cường quản lý khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường
    Theo yêu cầu của UBND tỉnh Lạng Sơn, các đơn vị chức năng phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường do các tổ chức, cá nhân đang triển khai tại các dự án được cấp phép, đảm bảo hiệu quả phương án khai thác và bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên trong quy hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tiềm năng khai thác từ nguồn khí gas trên hố nước tự sôi ở Sóc Trăng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.